Khám phá

Đừng “coi thường” hướng dẫn sử dụng thiết bị điện

Nhiều người không để ý, thậm chí “coi thường” quyển/tờ hướng dẫn sử dụng thiết bị điện của nhà sản xuất nên đã gặp không ít chuyện dở khóc, dở cười.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/huong-dan-su-dung-thiet-bi-dien-mau-300x200.jpg

Chỉ vì “coi thường” hướng dẫn sử dụng thiết bị điện mà nhiều người gặp sự cố dở khóc, dở cười.

Biết thao tác bật tắt thôi chưa đủ

KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, Đống Đa, Hà Nội cho biết, mới đây một khách hàng gọi điện nhờ ông đến sửa giúp chiếc máy giặt tự dưng không hoạt động được. Qua điện thoại ông đã đặt vài câu hỏi để loại trừ những nguyên nhân khách có thể tự xử lý được, nhưng hỏi kiểu gì khách cũng không rõ, cuối cùng đành phải đến tận nơi.

Tuy nhiên, khi đến nhà ông phát hiện máy giặt không hoạt động được chỉ là do lỗi khóa trẻ em. Ông Hùng cho biết, đây là một lỗi rất đơn giản, nếu người dân đã từng đọc hướng dẫn sử dụng hoặc khi thấy máy không hoạt động thì tham khảo trong quyển hướng dẫn sử dụng sẽ biết ngay cách khắc phục.

Bà Nguyễn Thị Dung (N07 Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) chủ nhân của chiếc máy giặt vừa bị “hỏng” cho biết, thực tế, khi mua máy giặt về, thợ lắp ráp đến lắp và hướng dẫn cho bà cách sử dụng, vậy là bà cứ thế dùng, chứ cũng không để ý đến hướng dẫn sử dụng.

Bà Dung kể thêm, không chỉ chiếc máy giặt, mà với nhiều thiết bị điện khác trong gia đình bà cũng không bao giờ để ý đến hướng dẫn sử dụng vì đơn giản là mình đã biết thao tác bật tắt là dùng được rồi.

Điều đáng nói, bà Dung không phải là trường hợp cá biệt. Một cuộc khảo sát nhỏ của Báo KH&ĐS tại nơi bà Dung sống với 15 hộ gia đình cho thấy, nhiều người không chú ý đến hướng dẫn sử dụng của thiết bị điện.

Có tới 62% số người được hỏi cho biết, không để ý đến quyển/tờ hướng dẫn sử dụng thiết bị điện và họ thường vứt luôn, chỉ có 38 % số người cho biết, có đọc qua hướng dẫn sử dụng (trong đó hầu hết là nam giới, chứ nữ giới dường như cũng không quan tâm đến tờ hướng dẫn này). Trong số này cũng chỉ một phần nhỏ có đọc hướng dẫn với những thiết bị khó sử dụng, còn đối với những thiết bị đơn giản như quạt, máy xay… thì không cần phải đọc.

“Người dân nên có một chỗ dành riêng cho các quyển hướng dẫn sử dụng. Lý do là bởi chúng ta có rất nhiều thiết bị điện nên việc để ở cùng một chỗ sẽ giúp bạn dễ dàng tìm thấy khi cần thiết”.

KS Trương Văn Hùng

Đọc kỹ và đừng vứt

KS Trương Văn Hùng cho biết thêm, tính an toàn của các thiết bị điện gia đình luôn cần được quan tâm thường xuyên, một chút sơ ý hay bất cẩn đều có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng khó lường. Vì vậy, việc sử dụng các thiết bị điện cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất từlắp đặt đến sử dụng, vệ sinh bảo dưỡng định kỳ, hay cách xử lý khi có sự cố.

Tuy nhiên, có một thực tế, rất nhiều người thường quên hoặc coi thường quyển/tờ hướng dẫn sử dụng thiết bị điện. Chính vì không đọc hoặc đọc không kỹ nên dẫn đến trường hợp lắp sai, dùng sai, không biết cách vệ sinh.

Có trường hợp khi mua máy xay sinh tố về loay hoay lắp mãi không xong, không biết dao nào thì đi với cối nào trong khi quyển hướng dẫn đã hướng dẫn rất chi tiết. Trường hợp khác khi thiết bị gặp trục trặc thì lo sợ gọi ngay thợ sửa chữa đến nhà, trong khi đấy là lỗi có thể tự khắc phục và đã được hướng dẫn cụ thể trong quyển/tờ hướng dẫn.

Theo KS Trương Văn Hùng, đối với các thiết bị điện, ngay khi mua thiết bị về, việc đầu tiên là phải đọc hướng dẫn sử dụng. Đừng bao giờ cho rằng mình đã hiểu về nó, đã từng sử dụng một sản phẩm giống như nó trong quá khứ thì không cần đọc.

Thực tế, có thể sản phẩm bạn vừa mua khác thương hiệu, khác mẫu mà bạn đã dùng trong quá khứ và vì thế, các chức năng cũng có thể sẽ khác, vì vậy bạn cần đọc để biết.

Thứ nữa, kể cả bạn đã đọc tỉ mỉ hướng dẫn thì cũng đừng vội vứt bỏ nó. Bởi thông thường hướng dẫn sử dụng rất dài, có thiết bị hướng dẫn còn được in thành cả quyển vì thế chắc chắn bạn không thể nhớ hết. Vì vậy, hãy cất chúng đi phòng khi cần dùng đến.

Huy Khánh