Khoa học & Công nghệ

Đừng cho trẻ em dùng kem chống nắng

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra oxybenzone trong kem chống nắng là mối nguy hại nghiêm trọng với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Bôi kem chống nắng rối loạn nội tiết?

Trong các loại kem chống nắng hóa học phổ biến, oxybenzone và octinoxate thường được sử dụng để lọc và hấp thụ tia UV, ngăn chặn bức xạ mặt trời và kéo dài thời gian an toàn tiếp xúc với ánh nắng sau khi bôi kem. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã loại bỏ oxybenzone và 13 chất hóa học gốc dầu mỏ khác trong kem chống nắng khỏi danh sách những chất hóa học “thường được công nhận là an toàn và hiệu quả”.

Các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Môi trường bang Virginia (Mỹ) đã chỉ ra mối liên hệ giữa oxybenzone với sự hình thành dị tật bẩm sinh trong ba tháng đầu của thai kỳ, cụ thể là căn bệnh có tên Hirschsprung hay còn gọi là bệnh phì đại tràng bẩm sinh hay vô hạch đại tràng bẩm sinh. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự nguy hiểm của việc bôi kem chống nắng hóa học cho trẻ em dưới 5 tuổi. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 169 sản phẩm kem chống nắng dán nhãn an toàn cho trẻ nhỏ, các nhà khoa học đã phát hiện nồng độ của 6 chất hóa học hấp thụ tia UV đang ở mức không an toàn. Đây đều là những chất có khả năng gây rối loạn nội tiết nếu bôi đủ lượng kem chống nắng theo khuyến nghị của nhà sản xuất.

 PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, trong kem chống nắng hóa học có nhiều thành phần không tốt cho trẻ em. Cơ chế hoạt động của thành phần trong kem chống nắng là sẽ ngấm vào da. Khi gặp tia UV, các hóa chất này sẽ phản ứng để ngăn tia UV tác hại lên da. Cùng với đó thì cơ thể sẽ phải tiếp nhận lượng hóa chất ngấm vào da. Trong khi da trẻ em rất non, mỏng, việc sử dụng kem chống nắng có thể khiến da bị lão hóa nhanh hơn.  Trẻ em từ 1-3 tuổi do lớp sừng ở thượng bì của da rất mỏng và ít melanin hơn người lớn nên không có khả năng chống lại bức xạ của tia cực tím. Do đó, cách bảo vệ trẻ tốt nhất là tránh tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, mặc quần áo che chắn cẩn thận.

Chỉ dùng khi “bất đắc dĩ”

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, tỉ lệ diện tích bề mặt cơ thể của bé lớn hơn khối lượng cơ thể nên sự nhạy cảm hấp thu ánh nắng qua da cũng cao hơn người lớn rất nhiều. Nên tránh để trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi trưa và nắng mùa hè. Việc cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên là tốt, nhưng không nên để trẻ bị cháy nắng bởi da trẻ rất khó phục hồi. 

 Nếu phải đi ra ngoài nên mặc quần áo rộng rãi, dày và các dụng cụ bảo vệ khác. Trường hợp bất đắc dĩ phải dùng kem chống nắng cho trẻ thì nên chọn loại kem chống nắng vật lý chứ không phải dòng kem hóa học. Loại kem chống nắng vật lý tạo một lớp màng bảo vệ trên da chứ không phải là để các thành phần hóa chất hấp thụ vào da như kem hóa học.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm chống nắng dịu nhẹ, an toàn của người lớn có thể sử dụng được cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì làn da của bé còn nhạy cảm, nên cho trẻ sử dụng sản phẩm sản xuất riêng cho độ tuổi này.

Dòng kem chống nắng phù hợp cho trẻ 1 tuổi trở lên là những loại kem có chứa bộ lọc vô cơ như kẽm oxít và titanium dioxide. Vì chúng không xâm nhập vào 2 tầng đầu tiên của lớp sừng nên ít gây kích ứng nhưng vẫn cho tác dụng chống tia UVA và UVB hiệu quả. Tuyệt đối không được cho trẻ dùng các loại kem có chứa thành phần làm từ oxybenzone hay retinyl palmitate.

Bảo Khánh

Bảo Khánh