Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ não nhưng đến viện muộn, bỏ qua thời gian vàng điều trị.
Trường hợp thứ 1: bệnh nhân nam 79 tuổi (trú tại xã Tiên Lương Cẩm Khê, Phú Thọ). Hai ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, choáng váng, tê bì tay chân, méo miệng. Sáng 6/8/2024, khi người quen đến chơi nhận thấy dấu hiệu bất thường nên tư vấn gia đình cho bệnh nhân đi khám bệnh. Chụp Cộng hưởng từ (MRI) cho kết quả: nhồi máu não cấp đa ổ, ở vị trí gối - thân thể trai lệch phải và thùy trán phải.
Trường hợp thứ 2: bệnh nhân nữ 94 tuổi, (trú tại xã Văn Bán, Cẩm Khê, Phú Thọ). Ngày 5/8, bệnh nhân có biểu hiện giao tiếp chậm, yếu nửa người trái. Sáng 6/8/2024 gia đình đưa bệnh nhân đi khám, kết quả chụp MRI Hình ảnh nhồi máu não diện rộng bán cầu phải tương ứng vùng cấp máu động mạch não giữa.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị đột quỵ. Ảnh BVCC |
BSCKI. Nguyễn Duy Long - Khoa Cấp cứu cho biết, thông thường nhiều người nghĩ rằng đột quỵ não là xuất hiện rầm rộ các triệu chứng như: ngã, liệt, nói ngọng, thậm chí hôn mê... nên những biểu hiện diễn ra một cách từ từ và kín đáo như 02 bệnh nhân nói trên rất dễ bị bỏ qua.
Nếu được can thiệp trong khoảng 3 - 4,5 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, các tế bào não có khả năng phục hồi hoàn toàn, cứ chậm 1 phút sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não bị tổn thương vĩnh viễn.
Do đó, khi xuất hiện triệu chứng như: mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt; đột ngột nhìn mờ; miệng méo; yếu tay chân; đột ngột nói ngọng hoặc không nói được... không lãng phí thời gian để nghĩ về "trúng gió" mà phải nghĩ ngay đến đột quỵ, sơ cứu nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu nặng và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Cách phòng ngừa đột quỵ não mà bạn nên biết
Để phòng ngừa đột quỵ não, bạn có thể tham khảo một số phương pháp phổ biến sau đây:
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
Thống kê cho thấy, với những người có sẵn bệnh nền về tim mạch như: Xơ vữa động mạch, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp… hay các bệnh chuyển hóa: Béo phì, tiểu đường, mỡ máu... sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao bị đột quỵ do tăng khả năng hình thành cục máu đông. Vì vậy, mỗi người cần kiểm soát các chỉ số về huyết áp, đường huyết, cholesterol, yếu tố đông máu... Để làm được điều này, bạn cần thường xuyên sử dụng thuốc điều trị bệnh nền, luyện tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống,... để các chỉ số luôn nằm trong khoảng an toàn.
Tập thể dục thường xuyên
Đột quỵ thường xuất hiện ở những người lười vận động. Do đó, bạn cần dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục với các bộ môn có lợi cho tim mạch như đi bộ, đạp xe, bơi lội, thiền, yoga... Cần tạo dựng cho mình thói quen tập thể dục hàng ngày nếu như bạn không thường xuyên thực hiện điều này.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố đóng quan trọng trong sự phát triển của bệnh đột quỵ. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, tránh xa chất béo, đồ ngọt sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu…
Hãy bổ sung thực phẩm tươi ngon, an toàn thay vì sử dụng đồ ăn chế biến sẵn, không đảm bảo vệ sinh. Tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đồng thời, cắt giảm đồ ăn không tốt cho sức khỏe như bánh ngọt, nước có ga, đồ ăn vặt, đồ chiên rán…
Hạn chế đồ uống có cồn, chất kích thích để phòng tránh đột quỵ
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, thói quen uống rượu, bia, hút thuốc lá chính là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ phổ biến, đặc biệt ở giới trẻ. Do đó, tránh xa thuốc lá, rượu, bia là giải pháp phòng ngừa đột quỵ bạn nên áp dụng càng sớm càng tốt. Trường hợp tính chất công việc phải sử dụng cồn, bạn hãy hạn chế mức tối thiểu không quá 2 ly/ngày.
Ngoài ra, duy trì cân nặng ở mức trung bình, từ bỏ những thói quen ảnh hưởng tới sức khỏe như thức khuya, làm việc quá sức, căng thẳng, tắm khuya… cũng là cách phòng ngừa đột quỵ dễ thực hiện. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ cần được thực hiện định kỳ bởi đây là căn bệnh có tỷ lệ tái phát cao, nhất là với những người có tiền sử bị đột quỵ.