Thời sự

Đúng 7h ngày 6/11 sẽ bàn giao tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, sau 12 lần vỡ tiến độ

  • Tác giả : Hoàng Thiên - Trần Lương
Chiều 4/11, Bộ GTVT đã tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác tuyến đường sắt đô thị (Metro) Cát Linh – Hà Đông.

Thông tin tại buổi họp báo cho biết, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội sẽ ký kết bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào đúng 7h sáng ngày 6/11. Các đoàn tàu sẽ khai thác từ 5h30, đóng lúc 23h hằng ngày, tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến.

Ông Vũ Hồng Trường Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, kế hoạch vận hành giai đoạn đầu, tính tối thiểu là một năm kể từ khi bàn giao dự án.

Trong giai đoạn đầu vận hành theo phương án từ thấp đến cao để đánh giá tình hình khai thác và phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, tránh việc vận hành không có khách thì sẽ không hiệu quả. Khi lượng đi đông thì sẽ điều chỉnh biểu đồ.

Theo giá vé được TP Hà Nội phê duyệt chính thức là giá mở cửa là 7.000 đồng/lượt; theo chặng là 8.000-15.000 đồng/lượt. Vé cũng được bán theo tháng và ưu tiên theo các đối tượng cụ thể. 15 ngày đầu sẽ miễn phí, không thu tiền của hành khách đi tàu.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã phê duyệt phương án kết nối xe buýt với các nhà ga. Ga tàu Cát Linh và ga Yên Nghĩa có 16 tuyến xe buýt, ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt. Nhà ga không có chỗ để ô tô, chỉ đáp ứng được với xe máy.

Về bảo hiểm cho hành khách, ông Vũ Hồng Trường cho biết, Luật quy định, hành khách đi đường sắt đô thị được mua bảo hiểm. Bắt đầu từ ngày 6/11, hành khách đầu tiên đi tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách sẽ được chi trả bảo hiểm.

Trong các trường hợp khẩn cấp đã có đội ngũ chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ. Có 733 nhân sự đã được đào tạo, chia cho km là 56 người phục vụ trên mỗi km sẵn sàng phục vụ. Các nhân viên phục vụ tuyến đường sắt đã được sát hạch trong tháng 9 và đều đạt yêu cầu; nhân viên phục vụ đều được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Trên tuyến cũng sẵn sàng trong việc phòng chống dịch Covid-19, tại các ga đều có phòng cách ly tạm thời, hỗ trợ y tế với hành khách đi tàu.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ.

tau-cat-linh-ha-dong_layout-1.png
Bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sau 12 lần vỡ tiến độ. Đồ họa Trần Lương
Hoàng Thiên - Trần Lương