Khám phá

Đứa trẻ ‘thiết kế sẵn’ đầu tiên sẽ được ra đời vào tháng Giêng 2035?

là dự báo vừa được công bố trên tạp chí y học trực tuyến Medicalfuturist.com (MFC). Theo tác giả, chuyện ‘viễn tưởng có thật’ này không chỉ đề cập tới tiến bộ y học mà còn nói đến những thách thức mà con người phải đối mặt trong tương lai.

Tổng quan về “đứa trẻ thiết kế sẵn”

Theo MFC, vào ngày 21 tháng Giêng 2035, đứa trẻ thiết kế sẵn đầu tiên trên thế giới có tên Lydia sẽ được ra đời từ tử cung nhân tạo, thỏa mãn ước mơ của cộng đồng những người yêu khoa học, muốn thế hệ tương lai khỏe mạnh và thông minh. Sự ra đời của Lydia là một trong những sự kiện lớn nhất trong cuộc đời của cha mẹ em nhưng cũng là ngày trọng đại của Trung tâm Chăm sóc y học kỹ thuật London (DHF), thuộc Vương quốc Anh. Lydia sẽ là “đứa trẻ được thiết kế” đầu tiên của nhân loại, hội nhập vào cuộc sống cộng đồng.

Người ta dự kiến, trong thời gian Lydia ra đời DHF có tới hàng núi công việc phải làm, đặc biệt là tiếp cánh báo chí, đa phương tiện. Tiến sĩ Lee, trưởng nhóm chỉnh sửa hệ gen phôi thai bằng kỹ thuật CRISPR, và tiến sĩ Brice, người giám sát tử cung nhân tạo ở DHF sẽ là hai nhân vật bận rộn hơn cả, trong đó có việc giám sát sức khỏe của Lydia từ trong bụng mẹ nhân tạo cho đến khi ra đời. Một phiên bản phụ khoa rất mới và sẽ thịnh hành nửa cuối thế kỷ 21 này.

Quy trình mang thai giả định để tạo bé gái Lydia.

Để “đứa trẻ thiết kế sẵn” trở thành hiện thực, khoa học phải trải qua một chặng đường dài nghiên cứu và chuẩn bị. Trước tiên, các bậc phụ huynh phải là những cặp đôi “thích hợp”, có nguyện vọng sinh “đứa trẻ thiết kế sẵn”. Các nhà khoa học đã chọn được cặp tên là Klara và Jonas Peterson (gọi ngắn là gia đình nhà Peterson) thỏa mãn các tiêu chí này.

Trước tiên, gia đình nhà Peterson có ý tưởng rõ ràng về đứa con tương lai, nói cách khác, các tiêu chí lựa chọn cụ thể đã được đưa ra như có đôi mắt xanh, tóc vàng, thông minh, mang tính xã hội, tốt bụng và tài năng âm nhạc. Ngoài ra, cặp đôi này muốn đứa trẻ tương lai được sàng lọc, loại bỏ một số căn bệnh di truyền thường gặp ở con người như mù màu, huyết áp cao, đái tháo đường, hay một số loại ung thư. Cả hai đều cởi mở, tự nguyện tham gia chương trình thử nghiệm đầy mạo hiểm của DHF.

Việc quyết định giới tính của “đứa trẻ thiết kế sẵn” có thể kéo dài tới tháng thứ 7 của thai kỳ

Rõ ràng, sản phẩm trẻ sơ sinh thiết kế sẵn không phải là sản phẩm đại chúng của loài người trong hàng ngàn năm trở lại đây. Vì vậy, sự ra đời của Lydia là rất mới và độc đáo, bé được ra đời bằng một quy trình nghiêm ngặt, thông qua một phần mềm chuyên dụng. Cha mẹ em, Klara và Jonas phải trải qua nhiều xét nghiệm, được giải mã bộ gen, và xem xét hệ gen gia phả toàn bộ gia đình để có thể loại bỏ mọi rủi ro gây bệnh tồn tại qua các thế hệ nay có thể truyền lại cho đứa trẻ tương lai. Nói cụ thể hơn, mọi trục trặc y tế chính phải được bỏ khỏi ADN.

Giai đoạn tiếp theo còn bận hơn. Đầu tiên , gia đình nhà Peterson phải chọn những đặc điểm chính của đưa trẻ tương lai như: màu mắt, tóc và da cho đến đặc điểm tâm lý và cấu trúc cơ bắp. May mắn thay, gia đình nhà Peterson và bạn bè được tư vấn trợ giúp tỉ mỉ. Klara và Jonas đã tiến hành các cuộc thăm dò trực tuyến để tìm ra những đặc tính mà các thành viên trong gia đình lẫn bạn bè không thích, để không áp dụng cho đứa con tương lai.

Quá trình thiết kế mất khoảng một tháng, một nửa thời gian này là dành cho tất cả các cuộc thảo luận trong gia đình cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến về đặc điểm của đứa trẻ tương lai. Sau đó, em bé sẽ được “xử lý” trong một đĩa petri bằng cách sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR dưới sự điều hành của tiến sĩ Lee.

Petri là một loại đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo hình trụ có nắp đậy dùng để nuôi cấy tế bào. Nó được đặt theo tên gọi của nhà vi khuẩn học người Đức Julius Richard Petri , người phát minh ra đĩa. Đĩa Petri bằng thủy tinh được xem là tối ưu nhất để khử trùng, hạn chế sự lây nhiễm chéo giữa các lần thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng các tế bào từ mẹ và tinh trùng từ người cha để tạo ra nhiều hợp tử. Từ đó, chọn lấy ứng viên khả thi nhất với bộ gen giống như những gì mà cha mẹ em mong muốn trước khi chỉnh sửa các phần còn lại để đảm bảo phù hợp với nhu cầu của phụ huynh đứa trẻ tương lai.

Về giới tính của “đứa trẻ thiết kế sẵn”

Đối với gia đình nhà Peterson, vấn đề khó khăn nhất là chọn là giới tính cho đứa trẻ. Người vợ Klara muốn bé gái, còn Jonas nghiêng về phía bé trai, bởi người chồng tưởng tượng con trai có thể chơi bóng hay chơi nhạc cụ với cha. Cả hai tranh luận trong nhiều tuần cuối cùng nhóm y tế đã cho họ một tối hậu thư để quyết định giới tính, cụ thể vào tháng thứ 7 của thai kỳ.

Việc lựa chọn giới tính quả không đơn giản ngay trong một gia đình nhỏ, nhưng sau một hành trình sôi nổi, sự đồng thuận đã đạt được, cả hai đồng ý sinh bé gái với tên gọi là Lydia. Sau khi có quyết định này, cơ sở y tế đã vào cuộc, chuyển đổi giới tính thông qua liệu pháp hormon cực nhanh. Tiến sĩ Lee tiết lộ, đây là một lợi ích rõ ràng, có thể cho ra đời một đứa bé “đa năng”, điều đó đồng nghĩa, cha mẹ có tới vài tháng để quyết định về giới tính của con cái mình.

Trong trường hợp của cặp Klara và Jonas cũng có cái đặc thù riêng. Cả hai cho biết, họ tìm thấy tên của đứa bé rất nhanh sau khi đã xác định cụ thể giới tính, Lydia là tên thời con gái của một trong số các bà (cả nội lẫn ngoại) của Lydia, tức mẹ chị Klara.

Sản phẩm “đứa trẻ thiết kế sẵn” ẩn chứa cả cái được lẫn chưa được mà khoa học chưa lường hết.

Sau khi bộ gen được đánh bóng và sẵn sàng để Lydia được ra đời, nó được đặt trong một hệ thống tử cung nhân tạo và được giám sát bởi tiến sĩ Brice. Môi trường tổng hợp được cấp bằng sáng chế vào cuối những năm 2020, có thể mô phỏng các điều kiện y chang trong tử cung sinh học của phụ nữ. Tiến sĩ Brice cho biết, lợi thế lớn nhất của môi trường ngoài tử cung nhân tạo là có thể giúp các bác sĩ có thể theo dõi sự phát triển của em bé mà không cần thăm khám hay làm các xét nghiệm như đối với các bà bầu hiện nay.

Sau nhiều lần xét nghiệm và kiểm tra khác nhau, các bác sĩ đã quyết định thay thế gan của đứa trẻ bằng gan in 3D giả sinh học (bionic) vì trong gia đình Klara và Jonas có lịch sử bị ung thư gan nặng. Vì không có thành phần di truyền nào đóng vai trò tăng nguy cơ, nhưng để giảm thiểu nguy cơ nên các bác sĩ vẫn quyết định thay thế gan sinh học bằng một lá gan nhân tạo có đầy đủ chức năng. Bác sĩ Brione, người lãnh đạo dự án ghép gan tiết lộ, đây là một quyết định hợp lý được phía cha mẹ em đồng ý.

Sau 9 tháng, các nhà khoa học đợi tín hiệu ngắt kết nối em bé một cách an toàn ra khỏi nhau thai nhân tạo. Có khoảng 50 bác sĩ sẽ vui mừng và kinh ngạc, và đúng như dự đoán, Lydia ra đời “mẹ tròn con vuông”, mặc dù sinh ra từ tử cung nhân tạo. Giới báo chí có mặt để chia vui, những bức ảnh đầu tiên về “đứa trẻ thiết kế sẵn” sẽ được đưa lên mạng xã hội.

Đây không phải là màn trình diễn mà là sản phẩm có thật trước sự hân hoan của gia đình nhà Peterson, trong khi đó Lydia, ngay từ cái nhìn đầu tiên, đã là một đứa trẻ bình thường nhưng hoàn hảo và pha chút “phi thường” bởi bé được ra đời với sự trợ giúp hoàn toàn từ những tiến bộ y học mới nhất.

Mặc dù Lydia ra đời hoàn hảo, song tương lai nhân loại sẽ phải đối mặt với một thách thức mới. Trẻ sơ sinh sinh ra mà không có nguy cơ mắc bệnh thì sự tiến hóa chủ quan này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy con người chưa có đủ thời gian kiểm chứng, chưa kể yếu tố đạo đức thuần túy.

(Theo Medicalfuturist.com- 5/2018)

Theo DS. Trang Nhung/Suckhoedoisong.vn