Trong 100g dứa ăn có 0,5 - 0,8g protein, 6,5 - 9g glucid, 0,7 - 1g axit hữu cơ và nhiều vitamin khác như B1, B2, C, PP caroten, các chất khoáng như sắt, canxi, photpho, đặc biệt trong dứa có chứa bromelin là một loại enzym có tác dụng phân hủy protein thành các axit amin có tác dụng tốt trong tiêu hóa. Với hàm lượng chất xơ cao, một quả dứa cỡ vừa chứa đến 13g chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón. Ăn dứa giúp giảm các triệu chứng viêm loét đại tràng, trào ngược axit. Dứa cũng hữu ích trong việc giúp ngăn ngừa phản ứng tự miễn do dị ứng thực phẩm.
Ăn dứa giúp cải thiện sự tỉnh táo, linh hoạt, chống trầm cảm và lo lắng. Dứa cung cấp axit amin tryptophan được cơ thể sử dụng để sản xuất serotonin, một trong những hormon hạnh phúc. Một lượng axit amin này, ngoài các chất dinh dưỡng khác như vitamin B, rất quan trọng đối với hỗ trợ hệ thống thần kinh, cung cấp năng lượng và sản xuất các hormon tâm trạng tốt. Dứa có tính chống viêm, do đó thêm dứa vào chế độ ăn uống có thể làm giảm đau viêm khớp cũng như bệnh gút và hội chứng ống cổ tay. Dứa cũng giúp cải thiện tổng trạng bằng cách làm xương chắc khỏe.
Để bảo vệ răng lợi, các chuyên gia khuyên một tuần ăn dứa vài lần. Vì có hàm lượng vitamin C cao nên ăn dứa giúp làm giảm nguy cơ viêm nướu và bệnh nha chu. Bệnh nha chu không chỉ phá hủy các mô và xương hàm mà còn liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại ho và cảm lạnh. Nếu đã bị bệnh, nên ăn dứa vì dứa có chứa bromelain giúp hạn chế chất nhầy và ức chế ho. Những người bị hen suyễn được khuyên ăn nhiều dứa vì beta-carotene có trong dứa giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn thông qua khả năng giải độc. Với nguồn phong phú vitamin C cùng các khoáng chất như kali và mangan, dứa rất tốt trong việc chống lại tổn thương tế bào. Dứa có khả năng làm giảm nguy cơ thoái hóa cơ mắt. Beta-carotene giúp duy trì sức khỏe của mắt, đặc biệt tốt với học sinh và những người phải làm việc nhiều với máy tính.
BS Quang Anh (Vĩnh Hồ, Hà Nội)