Thời sự

Du khách Philippines được hồi sinh sau đột quỵ não cấp trên tàu du lịch

  • Tác giả : Thúy Nga
Các bác sĩ Bạch Mai đã phẫu thuật cứu sống nữ bệnh nhân 52 tuổi (quốc tịch Philippines) bị đột quỵ khi đang đi du lịch trên tàu ở Vịnh Hạ Long.

Theo đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp điều trị không thường xuyên. Bệnh nhân đang đi du lịch trên tàu vịnh Hạ Long, đột ngột đau đầu dữ dội, nôn, ngã xuống nền cứng, yếu, người trái, Glasgow 7 điểm, xử trí: Đặt ống nội khí quản, sau đó chuyển Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán: Xuất huyết não nhiều vị trí tại bán cầu phải/ Tăng huyết áp.

Bệnh nhân được hội chuyển liên chuyên khoa, chỉ định mổ cấp cứu: Lấy máu tụ trong não - não thất, bởi các bs khoa Phẫu thuật thần kinh.

Sau mổ chuyển Hồi sức Ngoại - Trung tâm Gây Mê Hồi Sức - Bệnh viện Bạch Mai điều trị : Thở máy - Chống phù não - Theo dõi ICP liên tục- Kiểm soát nhiệt độ - Dự phòng động kinh - Kháng sinh - Kháng nấm - Chống đông- Phục hồi chức năng - Dinh dưỡng.

Ngày điều trị thứ 9, bệnh nhân G10 điểm, đỡ sốt, lượng đờm giảm, tập cai thở máy tốt, được rút ống nội khí quản, thở HFNC.

Du khách Philippines được hồi sinh sau đột quỵ não cấp trên tàu du lịch ảnh 1

Du khách Philippines được hồi sinh sau đột quỵ não cấp trên tàu du lịch

Sau đó, bệnh nhân phản xạ ho khạc còn kém, có rối loạn nuốt và ứ đọng đờm dãi nhiều, nhưng bằng kinh nghiệm hồi sức sọ não và chăm sóc tích cực kết hợp với phục hồi chức năng, bệnh nhân sau đó số lượng đờm rãi giảm, phản xạ nuốt hồi phục và tự ăn uống được bằng đường miệng vào ngày điều trị thứ 20.

Ngày điều trị thứ 42, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, liệt 2 người trái cơ lực 3/5, vận động tốt, hô hấp, huyết động ổn định, được kiểm tra toàn diện tình trạng tốt sau đó bệnh nhân được xuất viện về Philippines.

Kết quả điều trị của bệnh nhân đạt được là một thành công ngoài mong đợi vì tình trạng bệnh thời điểm ban đầu rất nguy kịch, nguy cơ thở máy kéo dài, viêm phổi thở máy cao, khả năng phải mở khí quản để cai máy thở và di chứng sau đột quỵ não nặng nề.

Bên cạnh đó, việc trao đổi, giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để điều trị còn gặp đôi chút khó khăn. Với sự hợp tác nhiệt tình của đại sứ quán Philippine, các khó khăn đã được giải quyết.

Để đạt được thành quả đó là sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Bệnh viện, Lãnh đạo Trung tâm Gây mê hồi sức và các phòng ban, đặc biệt là sự đóng góp của rất nhiều bác sĩ và điều dưỡng đã luôn nỗ lực quyết tâm, đồng lòng trong quá trình chăm sóc, điều trị, đưa bệnh nhân trở lại với cuộc sống bình thường.

Thúy Nga