Metaverse - “thế hệ" tiếp theo của internet
Metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo) là một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), internet và tiền điện tử để cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác. Khi Metaverse phát triển, nó sẽ mở ra không gian trực tuyến tương tác của người dùng đa chiều hơn so với các công nghệ hiện tại. Thay vì chỉ xem nội dung kỹ thuật số, người dùng trong Metaverse sẽ có thể đắm mình trong không gian của thế giới kỹ thuật số ảo.
Thuật ngữ Metaverse được rất nhiều người biết đến khi công ty của Facebook quyết định đổi tên thành Meta vào tháng 10/2021 và có nhiều tuyên bố về Metaverse. Theo các chuyên gia IT, Metaverse có một số đặc điểm đang thu hút sự nghiên cứu trên toàn cầu: Immersion - độ chân thực của Metaverse được bao nhiêu % so với trải nghiệm thực tế; Openness (tính mở - Metaverse cho phép người dùng kết nối hoặc ngắt kết nối bất kỳ lúc nào); Sustainability (khả năng duy trì và liên tục về dịch vụ hay hệ sinh thái); Economic System (hệ thống kinh tế song song với ngoài thực tế. Người dùng có thể di chuyển tài sản giữa thế giới ảo Metaverse và thế giới thực); Ngoài ra, còn có khả năng tích lũy, gia tăng tài sản cho mình...
Metaverse được coi là một “thế hệ" tiếp theo của internet, nên mọi công ty có sự hiện diện của Internet cũng sẽ muốn xây dựng Metaverse. Ngoài các công ty lớn như Microsoft, Facebook Inc. (nay là Meta Inc.), Amazon Com Inc., Tencent... thì các ông lớn công nghệ như Apple, Intel, Qualcomm, Alphabet, Coinbase, Electronic Arts, Samsung, Adobe, Alibaba, Disney, PayPal và Square cũng đã tham gia xây dựng Metaverse.
Một nhà đầu tư Matthew Ball đã so sánh những phát triển của Metaverse với cách mà iPhone và cửa hàng ứng dụng thể hiện những khoảnh khắc thay đổi đối với internet di động. Metaverse hứa hẹn sẽ tác động đến ngành công nghệ số nói chung và những công cụ thông minh nói riêng, đặc biệt là thứ chúng ta không thể rời mắt mỗi ngày - chiếc điện thoại.
Metaverse là một vũ trụ số vượt ra ngoài khái niệm internet mà chúng ta biết ngày nay. Tiềm năng tương lai của công nghệ này có thể thay đổi các tương tác xã hội, giao dịch kinh doanh và nền kinh tế internet nói chung. Các chuyên gia công nghệ thông tin đều đánh giá Metaverse không phải làm một trào lưu nhất thời, mà sẽ trở thành xu thế chung của tương lai.
Điện thoại Metaverse
HTC và Samsung là hai thương hiệu tiên phong áp dụng metaverse cho điện thoại. Samsung từng ra mắt Decentraland vào đầu năm nay, tiên phong trong việc áp dụng Metaverse để quảng cáo điện thoại thông minh và hứa hẹn về điện thoại metaverse trong năm nay. Tuy nhiên, HTC đã đi trước một bước. Hãng này vừa cho ra mắt dòng Desire 22 Pro vào 28/6 vừa qua.
Trước đó, “Gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc đã tổ chức sự kiện ra mắt điện thoại thông minh Galaxy mới trên Decentraland, một thế giới ảo tập trung vào tiền điện tử mà người dùng có thể tạo, khám phá và giao dịch.
Theo Samsung, cửa hàng ảo Samsung 837X có không gian Nhà hát Kết nối, Khu rừng Bền vững, những người hâm mộ xem qua các không gian này có thể "hoàn thành các nhiệm vụ trên đường để nhận huy hiệu 837X Non-Fungible Token (NFT)".
Nhà hát này cũng sẽ giới thiệu tin tức về Samsung và sân khấu sẽ có "bữa tiệc khiêu vũ trực tiếp thực tế hỗn hợp siêu đa dạng" do DJ Gamma Vibes tổ chức. Nghĩa là người dùng Decentraland sẽ được mời khám phá "sân chơi trải nghiệm" này và kiếm phần thưởng NFT bằng cách hoàn thành nhiệm vụ.
Để tham gia, trước tiên khách hàng sẽ cần vào Decentraland thông qua trình duyệt trên máy tính để bàn. Khi ở sảnh đợi, một hướng dẫn viên ảo sẽ hướng dẫn hình đại diện người tham quan chọn từ ba không gian nội thất đặc thù khác nhau.
Nền tảng Metaverse mang đến một cách mới lạ và hấp dẫn để Samsung kể những câu chuyện thương hiệu của mình, đặc biệt là về kết nối, khả năng tùy chỉnh và tính bền vững.
Michelle Crossan-Matos, Phó Chủ tịch cấp cao về tiếp thị và truyền thông của Samsung Electronics America cho biết, Metaverse cho phép chúng ta vượt qua các giới hạn vật lý và không gian để tạo ra những trải nghiệm ảo độc đáo theo cách khác biệt hơn. Chúng tôi không thể chờ lâu hơn nữa để đưa các bạn sớm được có cơ hội trải nghiệm tất cả công nghệ giới ảo đang dần phát triển mạnh mẽ này. Trong suốt năm nay, Samsung có kế hoạch mang trải nghiệm Samsung 837X đến với nhiều người hơn ở nhiều nền tảng ảo hơn, với những trải nghiệm khác nhau dần được nâng cấp.
Trong khi đó, Desire 22 Pro của HTC vừa được công bố ngày 28/6, không phải điện thoại cao cấp mà nằm trong phân khúc tầm trung. Charles Huang, Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HTC, khẳng định smartphone mới sẽ được phát triển chuyên cho vũ trụ ảo Metaverse.
Tuy nhiên, thực tế, Desire 22 Pro không có nhiều tính năng đặc biệt mà chỉ hỗ trợ Viverse - nền tảng Metaverse của công ty và có thể ghép nối với kính Vive Flow để người dùng trải nghiệm, xem phim hoặc truy cập ứng dụng trong môi trường thực tế ảo.
Sản phẩm được trang bị cụm ba camera với ống kính chính 64 megapixel, góc siêu rộng 13 megapixel và đo độ sâu trường ảnh 5 megapixel, ở mặt trước là máy ảnh selfie 32 "chấm".
Vẫn còn nhiều thách thức
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu điện thoại Metaverse hay điện thoại di động sẽ biến mất vào năm 2031? Các chuyên gia IT dự đoán, như một hệ quả của một thế giới tích hợp với Metaverse, có lẽ internet và thế giới ảo sẽ cần hiện thân nhiều hơn. Lúc đó, tương tác của chúng ta sẽ phải được mở rộng hơn và không còn bị ràng buộc ở những ngón tay lướt trên màn hình điện thoại. Sự biến mất của điện thoại di động có vẻ như chỉ là một thay đổi nhỏ về hình thức.
Ngoài những tiềm năng đáng được mong chờ trong tương lai thì Metaverse cũng mang lại một số rào cản vì Metaverse vẫn còn chưa đến giai đoạn đi xa hơn vì phần mềm và thiết bị vẫn chưa sẵn sàng. Bên cạnh đó Metaverse còn yêu cầu sức mạnh về mặt tính toán và cần một nguồn lớn nhân lực kỹ sư, nhà thiết kế, quản trị viên để giữ cho Metaverse có thể hoạt động.
Metaverse sẽ cần một cơ sở hạ tầng công nghệ khổng lồ, từ sức mạnh máy tính đến tính toán, hình ảnh 3D đến nội dung cho các hệ thống tài chính và thương mại.
Tuy nhiên, khi khám phá những cách mới để cải thiện hoạt động, các doanh nghiệp không nên đánh giá thấp những rủi ro an toàn, an ninh mạng liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ mới này khi các hình thức tấn công mạng cũng đang ngày càng phát triển tinh vi.
Theo TS Francis Gaffney, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Công ty Bảo mật Mimecast, mặc dù hầu hết các mối đe dọa trong không gian này giống với những mối đe dọa mà chúng ta gặp trên môi trường internet ngày nay, nhưng việc giải quyết những vấn đề này trong Metaverse là một vấn đề đau đầu đối với nhiều tổ chức.
Theo đó, ông Francis Gaffney cũng nêu ra một số thách thức chính mà các doanh nghiệp có thể gặp phải trong Metaverse. Content ảo rất dễ thu hút và khiến con người bị phân tâm khỏi những hoạt động thực tế hằng ngày, đặc biệt là với trẻ em là những người dùng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thông tin xung quanh. Metaverse hoàn toàn có thể làm con người lầm tưởng rằng trải nghiệm ảo có thể thay thế trải nghiệm thực hay quá phụ thuộc vào những giá trị, tài sản ảo mà bỏ quên đi những giá trị đời thực. Ngoài ra, mặc dù tiền điện tử như một loại tiền được thiết lập để đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế của kỷ nguyên số, nhưng nó cũng có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể các hoạt động rửa tiền trong nền kinh tế ảo của Metaverse.
Mặc dù việc áp dụng Metaverse hiện mới được chủ yếu những người trong cộng đồng game yêu thích, tuy nhiên, theo dự báo của Gartner, vào năm 2026, hơn 25% mọi người sẽ dành ít nhất 1 giờ/ngày để mua sắm hoặc giao lưu trong Metaverse. Đây có thể được coi là một dự báo tiềm năng tốt, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đã thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của các doanh nghiệp.