Khoa học & Công nghệ

Đủ chiêu lừa khi bảo dưỡng điều hòa

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Chuẩn bị đến mùa nóng, nhiều gia đình bắt đầu bảo dưỡng điều hòa. Lợi dụng điều này, nhiều thợ sửa điều hòa đã tìm cách "móc túi" khách hàng.

Điều hòa chạy bình thường vẫn cần bơm gas

Bà Lê Thị Minh Anh ở tổ dân phố số 1 Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh đến Báo KH&ĐS: Để bảo dưỡng cho 2 chiếc điều hòa của gia đình trước khi bước vào cao điểm nắng nóng, bà gọi thợ đến vệ sinh sạch bụi, làm sạch cục nóng và giàn lạnh... Khi thợ đến kiểm tra thì nói điều hòa nhà bà bị bụi bẩn bám quá nhiều, khả năng làm lạnh kém. Sau khi vệ sinh sạch giàn lạnh, lọc gió, thợ tiến hành đo gas làm lạnh ở cục nóng và thông báo gas ở cục nóng của 2 chiếc điều hòa bị hao hụt nhiều do đó phải bơm bổ sung thêm 80 đơn vị gas nữa. Giá mỗi đơn vị là 15.000đ cho dòng máy lạnh inventer.

“Sau khi làm sạch bụi của  2 chiếc điều hòa cộng với tiền bơm gas thì tôi phải trả 1.600.000đ. Tôi thắc mắc là điều hòa nhà tôi vừa mới mua được 3 năm, tần suất sử dụng ít, chỉ bật vào những ngày rất nóng. Thế mà đã phải bơm gas như vậy thì liệu có hợp lý hay không? ”, bà Minh Anh đặt câu hỏi.

Nói về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, đối với điều hòa và tủ lạnh, nếu không gặp các vấn đề, trục trặc về việc rò rỉ gas thì có thể sử dụng vĩnh viễn mà không cần phải bơm gas bổ sung. Một chiếc điều hòa như nhà bà Minh Anh phản ánh là đang chạy bình thường, không có dấu hiệu làm lạnh kém mà chỉ bị bụi bám ở giàn lạnh, thì chắc chắn không phải bơm gas bổ sung. Chiêu trò bơm gas bổ sung để “móc túi” khách hàng được rất nhiều thợ sửa điều hòa áp dụng do sự thiếu hiểu biết của chính người dùng.

“Việc bơm gas cho máy điều hòa rất phức tạp. Khi phát hiện rò rỉ, thợ phải xả hết gas còn lại trong cục nóng rồi tiến hành dò tìm điểm rò rỉ, sau đó mới xử lý và bơm lại gas chứ không đơn giản là cắm chiếc vòi dẫn gas từ bình vào. Do đó, nếu điều hòa không có dấu hiệu rò gas thì không cần phải nạp. Gas trong cục nóng điều hòa là gas tuần hoàn, không thể có chuyện vì dùng nhiều hay dùng lâu mà hết được”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.

Chiêu lừa “đo đồng hồ”

Để khẳng định rằng gas trong cục nóng đã bị hao hụt cần bổ sung, nhiều thợ sửa điều hòa dùng chiêu trò lắp đồng hồ đo để khách hàng nhìn. Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, việc đo bằng đồng hồ như vậy không có nhiều ý nghĩa vì đây là đồng hồ đo áp suất nhiệt độ giàn nóng. Do đó, khi nhiệt độ ngoài trời thấp thì đương nhiên áp suất sẽ thấp, nhiệt độ ngoài trời cao thì sẽ có áp suất cao. Điều này không liên quan gì đến việc gas trong cục nóng có bị rò rỉ, tiêu hao hay không. Bởi như đã nói, gas tuần hoàn nên nếu không có sự cố thì không thể có chuyện gas bị tiêu hao.

Ngoài ra để điều hòa chạy ổn định, bền thì nên bảo dưỡng 6 tháng/lần. Việc bảo dưỡng làm sạch các tấm lọc gió giúp tăng khả năng làm mát, giảm cường độ làm việc cho máy, bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình cũng như giảm chi phí sửa chữa máy móc.

“Nên sử dụng loại điều hòa có nhiều sao năng lượng, giá lúc mua cao hơn một chút nhưng tiết kiệm điện và khả năng xảy ra hỏng hóc cũng ít hơn”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi.

Tô Hội