KINH TẾ

Dự báo tăng trưởng: Có thực sự sẽ suy giảm do tác động của dịch Covid-19?

  • Tác giả : Trọng Nhân
(khoahocdoisong.vn) - Chiều 12/2, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với nội dung về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 và các giải pháp của Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Bộ nói giảm, Thủ tướng nói chưa

Trước đó một tuần, ngày 5/2, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh nội dung “không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020”. Thủ tướng yêu cầu “chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch Covid-19 thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh”.

Như vậy, đã có sự thay đổi “tương đối” trong quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 của Chính phủ. Cụ thể là từ “không đặt vấn đề” sang “chưa đặt vấn đề”. Thay đổi ấy, diễn ra chỉ trong vòng 1 tuần (từ 5 – 12/2/2020), và 12 ngày sau khi công bố dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Tức là, không khó để thấy được diễn biến quá nhanh của dịch bệnh đã tác động rất lớn tới ý chí thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Thay đổi ấy được cho là bắt nguồn từ dự báo của các cơ quan trực thuộc Chính phủ về tác động của dịch Covid-19 tới tăng trưởng năm 2020. Đây cũng là những dự báo theo yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020 (ngày 5/2), và được thực hiện chỉ trong vòng 1 tuần.

Rất lâu trước đó và trước dịch nCoV, chưa thấy xuất hiện thông tin về sự có mặt của một “kịch bản” quốc gia, đánh giá và chuẩn bị phương án đối phó với những tác động từ rủi ro bất thường liên quan tới dịch bệnh, thiên tai… tác động tới nền kinh tế. Mà chỉ có những kế hoạch chuẩn bị của vài bộ ngành đối với những rủi ro tiềm tàng, thường nhật.   

Sau cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 5/2, Bộ KHĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam dưới tác động của dịch Covid-19 gây ra, với cả đều có tăng trưởng thấp hơn.

Theo đó, nếu dịch được khống chế trong quý 1/2020, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với mục tiếu đầu năm (6,8%). Trong trường hợp thứ 2, dịch khống chế muộn hơn, trong quý 2/2020, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với mục tiêu). “Khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra” - báo cáo của Bộ KHĐT nêu.

Cũng theo Bộ KHĐT, với tác động của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 có thể sẽ giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 46,5 tỷ USD (tương đương khoảng 9% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2019). Chịu ảnh hưởng chính là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 29%, hàng thủy sản giảm 38%, hàng dệt may giảm 22%... Trong quý 1/2020, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm tới hai con số so với cùng kỳ năm trước.

Một tuần sau đó nữa, ba kịch bản giảm tăng trưởng công bố cũng được TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV công bố, với các nội dung tương tự như dự báo của Bộ KHĐT, dù có khác biệt về số liệu, tỷ lệ…

Nhưng vẫn có cơ hội

Như vậy là, những thông điệp, dự báo từ Chính phủ, cơ quan quản lý, chuyên gia… đều cho thấy tác động (gần như là chắc chắn) sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế do dịch Covid-19. Những thông điệp ấy, được nghiên cứu, phân tích, xác lập… trong thời gian ngắn kỷ lục, sau khi phát sinh dịch. Thậm chí, những đánh giá về tác động chiến tranh thương mại Mỹ Trung cũng không được lập nhanh bằng “kịch bản” tác động của dịch nCoV.  

Theo nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, ba kịch bản giảm tăng trưởng năm 2020 dựa trên đánh giá dự báo tác động của dịch nCoV tới 8 lĩnh vực. Bao gồm dịch vụ y tế và nguồn nhân lực, du lịch - lữ hành - khách sạn, dịch vụ giao thông - vận tải, bán lẻ (tiêu dùng giảm), ngoại thương, đầu tư,  chuỗi sản xuất - cung ứng, và dịch vụ tài chính - ngân hàng. Xu hướng chung là đều suy giảm trong ngắn hạn. Hướng đánh giá chung này cũng thể hiện tại báo cáo dự báo của Bộ KHĐT.

Thực tế, sự suy giảm, thậm chí tiêu cực là ách tắc, tê liệt đã xảy ra, đặc biệt tại hai lĩnh vực xuất khẩu nông sản và du lịch. Hàng chục nghìn tấn nông sản xuất khẩu đang ách tắc, hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ, kéo giảm hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu đã được thống kê cụ thể.

Tuy nhiên, như trên đã dẫn, với thực tế mùa vụ như xuất khẩu nông sản, hay chỉ biến động trong thời gian ngắn như du lịch, có thể thấy hai ngành này có khả năng sẽ hồi phục nhanh theo tiến độ dập dịch Covid-19. Một cách lạc quan, cũng có thể dự báo hai ngành này, cùng với ngành hàng không… sẽ bùng nổ khi dịch nCoV được tuyên bố sẽ hết. Thậm chí, xuất khẩu nông sản có thể hồi phục ngay trong ngắn hạn, khi dự trữ trong nước của Trung Quốc cạn kiệt.

Thách thức lớn nhất là thực tế Việt Nam đang nhập siêu ngày càng lớn từ Trung Quốc, lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Trong đó, hàng công nghệ, điện tử,  máy móc… tỷ lệ linh kiện, thành phẩm chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi sản xuất và xuất khẩu từ Trung Quốc suy giảm, chắc chắn sẽ tác động lớn, tiêu cực tới nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Ngay cả khi Trung Quốc đã hết dịch, nhu cầu nội tại của nền kinh tế đang hồi phục vẫn sẽ tác động không có lợi tới nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này.

Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội phát triển mà Việt Nam cần đón đầu đúng lúc. Đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là hai chỉ báo rõ ràng nhất với các nhà đầu tư về rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ Trung Quốc. Làn sóng cơ cấu, tái phân bố lại năng lực của các nhà sản xuất là cơ hội Việt Nam có thể nắm bắt và đón đầu từ Trung Quốc. Để đẩy nhanh hình thành công nghiệp phụ trợ trong nước vốn èo uột suốt nhiều chục năm, bất kể các biện pháp kích thích.

Mặt khác, mọi giải pháp ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế đều dựa trên cơ sở kích thích sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, nói cách khác là khuyến khích chi tiêu. Điều đó có nghĩa là hoạt động ngân hàng có thể là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất, khi các giải pháp quản lý tài chính, tín dụng được nới lỏng. Nhìn từ góc độ này, cũng có thể giải thích vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định sự suy giảm có thể diễn ra trong ngắn hạn, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ biến động khác biệt theo từng quý.

Và vì thế, “chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế” cả năm - là nhận định và quyết tâm đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Trọng Nhân