Thời sự

Dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ được thu phí và nhượng quyền ra sao?

  • Tác giả : Quốc Trọng
Theo Bộ GTVT, các dự án cao tốc Bắc-Nam sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn Nhà nước, thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thu phí trong một thời hạn nhất định (3 năm, 5 năm hoặc 10 năm).

Quốc hội vừa thông qua chủ trương dùng vốn ngân sách đầu tư đường cao tốc Bắc Nam. Như vậy, sắp tới sẽ có 20 đoạn, tuyến cao tốc Bắc – Nam được Nhà nước bỏ tiền đầu tư.

Nhưng hiện nay, chưa có quy định về thu phí với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ đã hoàn thiện đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Theo đó, sau khi các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn Nhà nước thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thu phí trong một thời hạn nhất định (3 năm, 5 năm hoặc 10 năm).

Tính toán sơ bộ của Bộ GTVT, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn Nhà nước; trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng.

Nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu), trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn Nhà nước; trong 10 năm khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trường hợp nhượng quyền thu phí không thành công, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu áp dụng hình thức thuê dịch vụ thu phí từ các nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng hiện nay đang triển khai như VETC, VDTC (Viettel)... để thu hồi vốn cho Nhà nước.

Ông Thể khẳng định, các tuyến cao tốc Bắc-Nam sẽ được triển khai liên dịch vụ thu phí thông trên toàn bộ 12 dự án giai đoạn 2021-2025 và các dự án giai đoạn 2017-2020, áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng (ETC), bố trí trạm tại các điểm ra, vào đường cao tốc, thu phí theo số km thực tế sử dụng.

Quốc Trọng