Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân gồm Nguyễn Thị Anh Tuyền (26 tuổi), Hoàng Thị Hồng (59 tuổi, mẹ chị Tuyền) và người con của chị Tuyền với biểu hiện lơ mơ, khó thở. Các bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc khí CO.
Sau thời gian cấp cứu, chị Tuyền và bà Hồng có diễn biến ngộ độc nặng, dự kiến chuyển lên tuyến trên, còn cháu bé đang được thở oxy.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân |
Trước đó, khoảng hơn 7h cùng ngày, một số người dân thấy căn nhà của gia đình chị Tuyền (tại thôn Phù Ích, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có dấu hiệu bất thường nên đã gọi điện cho anh Nguyễn Xuân Thống (chồng chị Tuyền) về kiểm tra.
Về đến nhà, anh Thống cùng hàng xóm phá cửa để vào phát hiện chị Tuyền, mẹ vợ và đứa con nhỏ mới 12 ngày tuổi nằm bất tỉnh trên giường, bên cạnh có 1 chậu than đang ấm.
Gia đình bà Hồng đốt than trong phòng ngủ để sưởi ấm. |
Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Ích Hậu và nhân viên y tế đã đến hiện trường, sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân và nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh khuyến cáo, vào những ngày giá rét người dân cần đặc biệt phải thận trọng với các thiết bị sưởi ấm, đặc biệt là sưởi bằng than tổ ong, than củi do than cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra một loại khí cực độc là CO.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc. Đồng thời, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực.
Thời gian đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khí CO càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống, hồi phục. Còn hôn mê quá lâu, não thiếu oxy sẽ để lại những di chứng lâu dài về thần kinh.