Thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu, từ đêm ngày 10 tới rạng sáng 11/12, đã xảy ra 5 trận động đất liên tiếp tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), có cường độ từ 2,8 đến 3,6 độ richter. Trước đó, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là điểm nóng về động đất khi chỉ trong vòng gần 2 năm trở lại đây, có tới hàng trăm trận động đất và trận lớn nhất mạnh 4,7 độ richter, gây rung chấn một khu vực rộng lớn.
|
Liên quan thủy điện tích nước?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – một trong những chuyên gia hàng đầu về động đất ở Việt Nam cho rằng, động đất ở Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện hoặc thủy lợi hoạt động tích nước.
“Các trận động đất tại huyện Kon Plông xảy ra thời gian qua liên quan việc hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum tích nước. Hiện tượng này đã xảy ra từ rất lâu rồi, nhưng tiếp tục hoạt động. Đặc điểm cấu trúc địa chất vùng này xảy ra hiện tượng động đất kích thích hồ chứa kéo dài. Hiện tại do trời mưa, vùng đó có tích nước hồ nên tiếp tục xảy ra các trận động đất dịp này”, PGS.TS Cao Đình Triều nêu ý kiến.
Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, các trận động đất tại huyện Kon Plông xảy ra ngày 11/12 sơ bộ nguyên nhân vẫn như các đợt trước, đây là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
PGS.TS Cao Đình Triều |
Khó vượt quá 5,5 độ richter
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, Viện Vật lý địa cầu từng có nghiên cứu và mời tư vấn Nhật Bản đánh giá thì động đất ở huyện Kon Plông khó vượt quá độ lớn 5,5 độ richter. Đồng quan điểm, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) không vượt quá 5,5 độ richter. Vì vậy, động đất kích thích cực đại ít khả năng vượt quá 5 độ richter.
TS Lê Huy Y, từng công tác tại Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, các hồ chứa thủy điện khuếch đại thêm cường độ động đất do sự cộng hưởng của nước.
“Các chấn tâm động đất tại huyện Kon Plông đều không nằm gần các hồ chứa nước. Nếu hồ sâu đến 100m, áp lực lên vỏ quả đất cũng chỉ là 10 atmos (10m nước/1 Atm). Do đó các hồ chứa nước chỉ là khuếch đại thêm cường độ động đất do có sự cộng hưởng của nước”, TS Lê Huy Y cho biết.
Theo TS Lê Huy Y, nguyên nhân gây động đất tại Kon Plông cũng có thể do có sự tái hoạt động của các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ, chưa nguội hẳn, có kết hợp với sức hút của Mặt Trăng. Các khối xâm nhập nông á núi lửa này có từ tính mạnh hơn đá cổ hơn nên có thể phản ánh vào các bản đồ từ hàng không.
Phân tích Bản đồ từ hàng không của Hải quân Mỹ đã bay đo vào những năm 1960, các nhà khoa học đã đánh dấu hàng trăm điểm đã hoặc sẽ là chấn tâm động đất ở Việt Nam, trong đó có vùng Kon Plong. Theo tọa độ các chấn tâm động đất đều rơi vào các địa hình không có các đứt gãy kiến tạo, nhất là các giao điểm của nhiều đứt gãy. Những giao điểm này mới có thể là chấn tâm động đất.
Những khu vực dễ xảy ra động đất ở Việt Nam
Tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác nhưng 2 năm gần đây, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất có độ lớn trên 2.5 và rất nhiều động đất nhỏ khác xảy ra trên lãnh thổ nước ta. Các khu vực như khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,…; Khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh…: Khu vực Tây Nguyên như Kon Tum là những khu vực đã ghi nhận các trận động đất. Trong khi đó Hà Nội cũng là nơi thường chịu các đợt dư chấn.
Lo ngại kịch bản động đất ở sông Tranh 2
Nêu ý kiến về các trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, các trận động đất kích thích hồ chứa tại Kon Plông cũng như kịch bản các trận động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 đến nay với hàng trăm trận.
“Sông Tranh 2 vùng kiến tạo địa chất cũng gần như vùng Kon Plông, động đất xảy ra liên tục. Động đất kích thích ở phía Bắc cũng có mấy hồ như hồ Hòa Bình, hồ Sơn La, hồ Lai Châu, nhưng đặc điểm địa chất ngoài này chủ yếu là vùng đá vôi còn trong khu vực Kon Plông là đá địa chất, giòn do đó động đất kích thích vùng này hay bị kéo dài. Khi nghiên cứu động đất kích thích, chúng tôi hay so sánh với một vùng ở Ấn Độ có điều kiện cấu trúc địa chất tương tự như vùng Sông Tranh 2”, PGS.TS Cao Đình Triều nêu ý kiến.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, động đất kích thích có quy luật riêng, có thể xảy ra dồn dập, sau đó yên ắng rồi có thể dồn dập, liên quan chặt chẽ đến chu trình tích nước của hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) không vượt quá 5,5 độ richter. Do đó, động đất kích thích cực đại ít khả năng vượt quá 5 độ richter.
PGS.TS Triều lưu ý, nền địa chất tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Plông bị phong hóa khá mạnh nên người dân cảm nhận được rung chấn khá rõ do động đất gây ra, kèm theo những tiếng nổ trong lòng đất. Để theo dõi và nghiên cứu động đất ở khu vực này, một hệ thống các trạm quan trắc đang được thiết lập, nhằm cung cấp thêm các số liệu về động đất trong khu vực.
Cách giữ an toàn khi động đất?
Nếu sống trong khu vực thường xuyên xảy ra động đất, người dân cần chuẩn bị thật kỹ để phòng tránh hậu quả đáng tiếc như xây nhà kiên cố; không đặt giường gần cửa sổ, đặt các vật nặng lên các giá vững chắc, dự trữ bình chữa cháy, thuốc yếu trong tủ thuốc.
Khi xảy ra động đất mà đang ở trong nhà, không nên rời khỏi tòa nhà. Cách tốt nhất là ở yên trong nhà, chui xuống gầm bàn, gầm ghế, gầm giường để tránh vật dụng rơi vào người. Nếu đang nằm trên giường mà thấy có động đất nên úp gối che lên đầu ngay lập tức. Lưu ý cần ra ngay khỏi nhà sau khi động đất xảy ra do những dư chấn có thể xảy ra làm sụp đổ phần còn lại.
Khi đang ở ngoài đường, đừng bao giờ chạy vào hoặc chạy quanh các tòa nhà; Tránh xa đường dây điện, nhà cao tầng, đường có xe đi; Cố gắng tìm nơi trú ẩn và nên tránh xa các đường điện, cột trụ, tường, nhà cao tầng, nhà kính, cây cao và các cấu trúc khác có thể sụp đổ. Khi phải sơ tán, ngay lập tức cầm những thứ cần thiết rồi ra khỏi tòa nhà bằng thang thoát hiểm, tìm nơi an toàn để ẩn nấp sau khi ra khỏi tòa nhà…
>>> Mời độc giả xem thêm video Thương vong tăng nhanh sau vụ động đất ở Haiti
Nguồn: VTV24