Ngày 17/01/2025 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích, trong đó có chùa chùa Bối Khê ở huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Di sản văn hóa hiếm có của Hà Nội
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chùa Bối Khê có tên chữ là “Đại Bi tự”, là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bắc Bộ. Tương truyền, chùa được xây dựng từ năm 1338 dưới thời Trần. Chùa thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An – người có công đánh giặc phương bắc, và cũng lưu giữ nhiều dấu tích tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo.
Theo tài liệu được giới nghiên cứu công nhận, chùa Bối Khê đã trải qua tám đợt trùng tu lớn vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Hiện tại chùa có kết cấu “Tiền Phật, hậu Thánh”, “Nội công, ngoại quốc”, hướng Tây, bao gồm các hạng mục: Đền Đức Ông, vườn tháp, ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia sắp lễ; chùa Phật (tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tả – hữu hành lang); điện Thánh (đại bái, ống muống, hậu cung), nhà Tổ – nhà Mẫu và nhà khách.
Toàn cảnh chùa Bối Khê. Ảnh: Ánh Ngọc / Kinh tế & Đô thị. |
Hiện nay, kiến trúc và phần nhiều các mảng chạm của chùa mang dáng dấp thời Nguyễn. Chùa hội tụ rất nhiều những nét kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu của nhiều thời kỳ. Bậc thềm phía trước thượng điện còn lưu giữ vết tích của gạch của thời Mạc và thời Lê, với hoa văn, linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn. Các mảng chạm gỗ của chùa phần lớn là từ thời Nguyễn. Các mảng chạm này độc đáo ở chỗ, thay vì những mô típ quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, rồng, phượng… thì một số mảng chạm lại mô tả tích thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, hai con ngựa (hoặc nai) giỡn chơi với nhau bị ngã, chạm long lân tỉ mỉ và tinh xảo…
Mảng chạm rồng ở chùa Bối Khê. Ảnh: Ánh Ngọc / Kinh tế & Đô thị. |
Trải qua các thăng trầm của lịch sử, chùa Bối Khê vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật độc đáo thuộc những niên đại khác nhau. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ bệ sen đỡ tượng Quan Âm có chạm khắc hình chim thần Garuda, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật chạm khắc Chăm-pa, bia “Bối động thánh tích bi ký” từ năm 1453 ghi lại sự tích thánh Bối, hai quả chuông lớn đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), pho tượng Quan Âm 12 tay độc nhất vô nhị, một số bia từ thời Trần cùng 22 đạo sắc phong từ thời Lý đến thời Nguyễn, hai chiếc giếng ngọc bên hông chùa.
Chùa có hệ thống tượng Phật cổ gồm 12 pho, từ Hộ pháp, Tam thế Phật, tòa Cửu Long, Thập điện Diêm vương, trong đó đặc biệt là các tượng La Hán bằng đất nung tuyệt đẹp, vô cùng sinh động và chân thực, thể hiện các gương mặt, tư thế khác nhau.
Ngoài ra, chùa Bối Khê cũng là một di tích lịch sử cách mạng của địa phương. Phía sau khuôn viên chùa còn giữ được căn hầm địa đạo từng là kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp, được xây tháng 1/1948 với 3 ngách chính. Hầm có tác dụng chuyển quân dưới mặt đất và khi rút lui thì trở thành chỗ phòng thủ vững chắc. Tại đây, quân và dân làng Bối Khê đã đập tan 3 cuộc càn quét của giặc Pháp, tiêu diệt 372 tên địch.
Lễ hội chùa Bối Khê diễn ra từ ngày 10 – 12 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, tại chùa còn có lễ hội cầu mưa và tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê và Tiên Lữ (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ).
Chùa Bối Khê đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979.
Truyền thuyết về vị Thánh được thờ ở chùa Bối Khê
Như đã đề cập, chùa Bối Khê là ngôi chùa "Tiền Phật, hậu Thánh”, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Thánh. Vị Thánh được thờ ở chùa là Đức Thánh Bối Nguyễn Đình An. Theo tư liệu của Tạp chí Nghiên cứu Phật học, truyền thuyết về ngài được lưu truyền như sau:
Đại thánh Khai thiên Nghĩa tồn Bình đẳng Hành thiện Bồ tát Chân nhân, quê ở làng Bối Khê, huyện Thanh Oai. Mẹ ông nằm mơ thấy Phật giáng hạ, thụ thai rồi sinh ra ông.
Hậu cung của chùa Bối Khê là nơi thờ Đức Thánh Bối. Ảnh: N.Dương / Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. |
Năm lên 7 tuổi, bố mẹ chết cả, ông phải đến ở chăn trâu cho cô cậu. Những cá tôm bắt được, ông đều đem thả xuống sông Vĩnh Dụ. Ông không thích nô đùa với các trẻ chăn trâu khác. Ông làm một cái chùa con ở bên đường, thỉnh thoảng lấy trộm cơm ở nhà đóng oản để cúng. Cô cậu biết chuyện thường rầy la, đánh mắng ông rất khổ sở.
Năm lên 9 tuổi, ông xuất gia, đến trụ trì chùa làng, mọi người đều khen ông có giới hạnh. Lớn lên ông đến tu hành ở núi Tiên Lữ, sớm tối tụng niệm nên giác ngộ được phép linh thông biến hóa. Ông bèn giẫy cỏ chặt gai, xây dựng nhà cửa. Bấy giờ có hơn một trăm người thợ làm. Bữa cơm chỉ thổi một nồi nhỏ. Ông bảo các thợ rằng:
- Các anh nên đem nhiều thúng to để đựng cơm. Tôi về làng lấy mắm muối đến ăn.
Mọi người đều cho là ông nói đùa, không ai để ý. Rồi ông từ núi Tiên Lữ trở về đến chợ Bảo Đà ở xã Đàn Viên, và chỉ trong một thời gian rất ngắn, tới thềm đá chùa làng. Ông lấy hai lọ muối đem về núi Tiên Lữ cũng chỉ trong một lát. Ông gọi các thợ đến ăn cơm. Họ ngồi vào mâm, thì đều nhìn thấy hóa thành cơm chay của nhà chùa cả, ai cũng no nê. Ông trèo lên những xà ngang của chùa đi lại nhảy nhót.
Các thợ nhìn nhau thất sắc, thấy ông có phép thần thông, mới biết ông là Chân nhân đắc đạo, cùng nhau sụp lạy. Sau khi dựng xong chùa, ông làm một cái khám gỗ rồi ngồi vào trong, gọi các tăng nhân ở chùa đến bảo rằng:
- Trần duyên của ta đã mãn. Nay ta siêu hóa. Các đạo tràng phải đóng cửa khám đủ ba tháng, hết hạn mới được mở cửa ra xem. Nếu thấy thơm tho thì thờ cúng. Nếu thấy tanh hôi thì đem ra đồng hoang mà chôn.
Các tăng ni tuân theo lời dạy của ông, đợi đến ngoài trăm ngày mới dám mở khám ra xem, thì chẳng thấy gì, chỉ thấy mùi thơm ngào ngạt bay khắp xa gần. Họ bèn cùng nhau tạc tượng ông để thờ. Nhân dân vùng ấy đều để tâm sùng phụng, về sau rất linh hiển. Dân vùng Bối Khê cũng thờ ông ở chùa bản xã. Hàng năm ngày rằm tháng 5, mở hội rất to, các nơi đến xem rất là đông đúc, năm nào cũng vậy.
Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang xâm chiếm nước ta. Chúng muốn trấn áp các linh từ trong nước, bèn đem tượng ông ra đốt, nhưng qua ba ngày mà tượng vẫn không cháy. Quân giặc không biết làm cách nào, thì thấy một người đến bảo chúng rằng:
- Các ông muốn đốt cái tượng ấy, thì phải lấy nhiều bấc đèn quấn chung quanh tượng, rồi tẩm dầu mà đốt thì cháy ngay.
Quân Ngô làm theo như thế, thì bỗng thấy trời mưa ra máu suốt ba ngày liền, chúng do vậy bị ốm chết không biết bao nhiêu mà kể. Quân Ngô bèn đắp một cái mô đất ở địa phận làng Bảo Đà làm đấu đong quân. Chúng thấy số quân hao hụt mất quá nửa, lấy làm sợ hãi, tự biết uy linh khó phạm, rất lấy làm hối hận. Ông lại hiện hình bảo người Ngô rằng:
- Nếu các ngươi muốn sống mà về, thì phải tạc lại tượng trả ta. Bằng không, tội lỗi ấy không bao giờ xóa được.
Quân Ngô bèn sai người về bản quốc đúc một pho tượng giống như pho tượng cũ, rồi đem đến chùa làng Bối Khê lập đàn cầu đảo, từ đó mới được yên ổn.
Nhân dân địa phương hàng năm cúng tế. Những việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Lịch triều bao phong Thượng đẳng thần, từ đó triều đình và dân chúng luôn cúng tế.