KINH TẾ

Doanh nghiệp Việt muốn tự "viết" công nghệ bán lẻ

  • Tác giả : Thùy Linh
(khoahocdoisong.vn) - Chợ, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là kênh mua bán được đông đảo người Việt ưa thích và lựa chọn. Tuy nhiên, chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, mua bán online lại đang tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt ở các mặt hàng truyền thống và các mặt hàng có vòng đời ngắn, mức giá thấp.

"Đón lõng" thị trường

Sáng 30/6, Tập đoàn Masan (MSN) và hai công ty thành viên niêm yết là Masan Consumer Holdings (MCH) và Masan MEATLife (MML) cùng tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Thông tin từ đại hội được tổ chức như một buổi lễ giới thiệu sản phẩm mới này cho biết, 5 năm tới là thời gian Masan đẩy mạnh đầu tư cho mục tiêu mở mới, nâng số cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini từ 3.000 như hiện nay lên 10.000 điểm…

Cùng với đó, xây dựng công nghệ bán lẻ, ví điện tử, ngân hàng số… được liên kết với nhau trong một hệ thống, đủ để kéo một nửa dân số Việt Nam thành khách hàng, đưa thương hiệu bán lẻ của Masan từ ngoài top 1.000 hiện nay vào top 50 thế giới. Công ty CP The CrownX – doanh nghiệp vừa được thành lập ngày 27/6 sẽ là nòng cốt triển khai chương trình cho mục tiêu tham vọng này. Đây là công ty sở hữu 85,71% cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings (MCH) và 83,74% cổ phần của Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM).

Hiện, mô hình bán lẻ hiện đại với điển hình là cửa hàng tiện lợi, bán hàng online đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Thu nhập người dân liên tục được nâng cao đã kéo theo sự bùng nổ của thương mại. Tuy nhiên, nếu doanh thu bán hàng theo phương thức truyền thống tại chợ và cửa hàng lẻ, siêu thị tăng 1, thì tốc độ tăng số lượng người tham gia và doanh thu mua bán trực tuyến, mua bán tại cửa hàng tiện lợi lại gấp 10. Đó chính là cơ hội với các nhà bán lẻ.

Theo ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group "với thị trường hàng tiêu dùng, hiện chúng ta mới đạt được 5% nhu cầu của người tiêu dùng trong khi Việt Nam đang nằm trong top nhu cầu tiêu dùng tăng cao trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, nhiều nhu cầu lớn của người tiêu dùng chưa được đáp ứng đầy đủ. Người tiêu dùng đang phải trả cao hơn 10 - 15% do hạ tầng còn phân mảng, chưa có mô hình nào đột phá nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của họ".

Rõ ràng, xu hướng chuyển đổi này đã tạo nên cho các mô hình bán lẻ những lợi thế nhất định nhưng việc chuyển đổi cần thêm thời gian cũng tạo nên nhiều khó khăn, thử thách. Thế nhưng, việc liệt kê các danh mục, nhãn hiệu và kích cỡ sản phẩm có thể giúp thu hút người mua hàng đến cửa hàng, vì khách hàng có thể chắc chắn rằng khi đến cửa hàng họ sẽ tìm được mọi thứ họ cần, thậm chí là hàng tươi sống.

Xu hướng này người ta còn gọi là tiêu dùng nhanh (FMCG) với các nhóm sản phẩm được tiêu thụ nhanh chóng, liên tục vòng đời ngắn có mức giá thấp, chẳng hạn như các thực phẩm đóng gói, nước đóng chai, thiết bị vệ sinh cá nhân và gia đình, thuốc không kê đơn và các mặt hàng tiêu dùng khác.

Cần có chiến lược cụ thể

Thực tế, sức hấp dẫn của thị trường hàng tiêu dùng nhanh là không thể phủ nhận và gày càng được khẳng định khi khá nhiều "ông lớn" như Thế Giới Di Động, Digiworld, Sơn Kim... thậm chí cả Petrolimex cũng nhòm ngó mảng tiêu dùng nhanh này để thử sức cho chặng đường tìm động lực tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, trong khoảng vài năm gần đây tại Việt Nam có không ít ông lớn kinh doanh bán lẻ nhóm hàng FMCG đã "bật bãi", có thể lấy ví dụ câu chuyện của Shop&Go và Auchan. Sự thất bại này đã khiến nhiều doanh nghiệp chùn chân nhưng vẫn có những cái tên ngày càng "hăng máu" hơn với những chiến lược bài bản.

Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây của Masan Group, Masan Consumer và Masan MEATLife, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group cho biết, mục tiêu của Tập đoàn là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương.

Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%. Mục tiêu của Masan không chỉ có kênh mua sắm hiện đại cho các cư dân thành thị mà còn mang những trải nghiệm tiện ích đến phục vụ cả người tiêu dùng ở nông thôn.

“Năm 2020, Masan Group sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà sẽ nỗ lực để đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng quy mô. Tôi tin rằng nếu cùng thực thi quyết liệt và kiên định với chiến lược, chúng tôi không những sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận hai chữ số”, ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định.

Ông chủ mới của chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ cũng cho biết, trong năm nay, thay vì chiến lược mở rộng liên tục để chiếm địa bàn như chủ cũ Vingroup, Masan sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150 - 300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.

Đây là chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng theo cách chọn lọc, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu. Masan dự kiến sẽ mở mới 20 - 30 siêu thị VinMart và 300 - 500 cửa hàng VinMart+ trong năm.

Ngay từ khi tiếp nhận, Masan Group đã bắt tay thực hiện nhiều thay đổi đối với chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+ khi đối sánh các điều khoản thương mại với nhà cung cấp nhằm đạt mức ngang bằng thị trường, tập trung vào việc giảm chi phí hoạt động tại cửa hàng.

Đặc biệt, Vinmart và Vinmart+ sẽ đổi mới danh mục sản phẩm hệ thống thông qua phát triển danh mục hàng hóa chủ chốt, đảm bảo các sản phẩm trong danh mục này có mặt tại tất cả các cửa hàng, đồng thời bổ sung thêm danh mục sản phẩm phù hợp theo vùng miền và mùa vụ.

Có thể thấy, sau khi về tay Masan, mặt hàng tại các siêu thị VinMart đã thay đổi khá lớn. Nếu như trước đây, VinMart thường bị người tiêu dùng đánh giá kém hơn SaiGon CoopMart ở mức độ phong phú của mặt hàng tươi sống (thịt, cá, rau củ) thì thời gian gần đây, điều này được cải thiện tốt hơn hẳn.

Tổng Giám đốc Masan Group Danny Le khẳng định, "chúng tôi luôn đặt người tiêu dùng là trung tâm, cho dù là nhu yếu phẩm, tài chính… và bước tiếp theo có thể là giáo dục, viễn thông".

Hiện, Masan đang ở vị thế sẵn sàng cho sứ mệnh này nhờ mối quan hệ mật thiết và lâu dài sẵn có với hơn 300.000 điểm bán lẻ truyền thống. Từ chỗ đơn thuần bán sản phẩm của Masan như hiện nay, họ sẽ trở thành một phần trong nền tảng bán lẻ của chúng tôi thông qua mô hình nhượng quyền và mối quan hệ đối tác mật thiết, giúp mang đến lợi ích cho cả hai bên và cho chính người tiêu dùng.

Thùy Linh