Ảnh

Dinh thự cổ tráng lệ nhất miền Tây Nam Bộ

  • Tác giả : Quốc Lê
Nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, nhà cổ Bình Thuỷ được đánh giá là ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây Nam Bộ, còn được gìn giữ đến nay.

Ngôi nhà được ông Dương Chấn Kỷ - một thương gia giàu có trong vùng cho xây dựng vào năm 1970. Công trình được xây theo trào lưu Tây phương thịnh hành kết hợp với những nét phong cách kiến trúc truyền thống.

Có thể nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây qua cánh cổng phụ xây theo kiến trúc Á Đông với bốn cột tròn, mặt trước gắn bảng "Phước An Hiệu" nằm ngay sau cổng chính kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp.

Dinh thự cổ tráng lệ nhất miền Tây Nam Bộ ảnh 1

Dinh thự cổ tráng lệ nhất miền Tây Nam Bộ

Về tổng thể, nhà cổ Bình Thủy là một khu nhà ba gian hai chái, nền nhà cao hơn mặt sân 1 m, có bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã kết nối nhà với khoảng sân rộng. Dọc mặt tiền ngôi nhà là các vòm cửa cao rộng đem lại cảm giác thông thoáng. Trên các vòm cửa trang trí phù điêu đắp nổi mang đậm phong cách châu Âu cổ điển.

Toàn bộ khu nhà nằm trong khuôn viên rộng 8.000m2, với khoảng sân rộng lát gạch Tàu và các khoảng vườn bài trí non bộ, chậu cảnh.

5 gian nhà phía trước bài trí đặc trưng của một gia đình Việt, dùng làm nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng. Nền nhà được lát gạch hoa nhập từ Pháp, đóng trần Plafond, trang trí hoa văn...

Dinh thự cổ tráng lệ nhất miền Tây Nam Bộ ảnh 2

Dinh thự cổ tráng lệ nhất miền Tây Nam Bộ

Nơi trang trọng nhất tại gian giữa của ngôi nhà là bàn thờ, khán thờ tổ tiên ông bà được sơn son, thếp vàng, giường thờ, sập gụ cẩn xà cừ, chạm khắc cực kỳ tinh xảo theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ hoặc tín ngưỡng truyền thống như Tam Đa - Tứ Quý, Mai - Lan - Cúc - Trúc, Phúc - Lộc - Thọ, Long - Lân - Quy - Phượng...

Đặc biệt, nhà cổ Bình Thủy còn được ví như một "kho đồ cổ" quý giá được gìn giữ hơn một thế kỷ qua. Những hiện vật tiêu biểu là hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm, bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis 15 mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đằng TK18, cặp đèn treo TK19...

Các hiện vật này minh chứng cho thú chơi đồ cổ lẫy lừng "lục tỉnh" của gia đình họ Dương đất Bình Thuỷ.

Nhà cổ Bình Thuỷ cũng là một trường quay nổi tiếng của các bộ phim về Việt Nam thời thuộc địa. Đây là bối cảnh của hàng chục bộ phim, trong đó có những phim nổi tiếng như Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời...

Đặc biệt, ngôi nhà đã được dùng làm bối cảnh thay thế cho ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng ở Sa Đéc trong bộ phim nổi tiếng "Người tình" của đạo diễn Pháp JJ.Annaud. Sau này, đạo diễn JJ.Annaud - người đã ở lại nhà cổ Bình Thủy nhiều ngày để chỉ đạo làm phim - tâm sự: những ngày ở tại nhà cổ Bình Thuỷ là ngày rất đẹp trong cuộc đời làm phim của ông.

Với giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử, đây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hoá cũng như tiến trình phát triển dưới tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân đồng bằng sông Cửu Long.

Quốc Lê