Dinh dưỡng cho người cảm cúm
Cơn sốt làm bạn mất cảm giác muốn ăn và trên thực tế không nhất thiết phải ăn nhiều khi bị sốt. Chất béo trong cơ thể đủ dùng trong vài ngày và cơn sốt sẽ giúp cắt giảm 12% lượng calo dư thừa, nhiều hơn một giờ chạy bộ. Nếu bạn cảm thấy cần thiết phải ăn chút gì đó, hãy ăn canh, cháo hoặc súp rau và đừng ăn nhiều.
Canh rau sam: Rau sam tươi rửa sạch, thái nhỏ 60 – 100g, nhuyễn lạc 30 – 50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau sam vào, đun sôi 10 phút.
Nước đậu xanh: Đậu xanh 50g, đãi loại bỏ vỏ, lá bạc hà 30g, đường trắng 30g. Cho đậu xanh và lá bạc hà ninh, chắt bã, lấy nước, dùng uống nhiều lần trong ngày.Có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, làm mất khát.
Canh mướp, nhuyễn lạc: Quả mướp ngọt già gọt vỏ, xắt khúc, nhuyễn lạc 30 – 50g. Nấu 2 thứ với nhau, đến khi lạc thật chín thì vớt mướp ra nghiền, bỏ xơ, lấy nước và hạt. Cho nước, mướp và hạt mướp vào nồi canh đun sôi, đập 1 quả trứng gà vào, quấy cho sôi đều 5 phút hoặc canh ngó sen tươi tước vỏ, rửa sạch, thái mỏng 20 – 30g, nhuyễn lạc 30 – 50g, nấu canh ăn, ngày 3 lần.
Cháo thịt, tía tô: Gạo tẻ 100g nấu kỹ thành cháo rồi cho chút thịt băm, mắm muối vào nấu. Bắc ra cho tía tô ăn nóng. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân rất tốt cho bệnh nhân sốt, cảm cúm.
Canh rau mồng tơi: Rau thái nhỏ 60 – 100g, nhuyễn lạc 30 – 50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau mồng tơi vào, đun sôi 10 phút, ăn nóng giúp thanh nhiệt.
Nước rau ép nguyên chất: Có thể cung cấp những dưỡng chất cơ bản và giúp phục hồi nhanh chóng. Bệnh nhân sốt cần bổ sung thêm nhiều vitamin C để tăng hệ miễn dịch, tăng bền vững thành mạch. Trái cây giàu vitamin C là dâu tây, ổi, kiwi, đu đủ, giúp sản xuất các tế bào lympho. Vitamin C cũng có ảnh hưởng trực tiếp lên các vi khuẩn, vi rút.
Chú ý: Bệnh nhân cần được ăn các loại thức ăn nhẹ, chủ yếu là cháo và kết hợp với uống sữa và hoa quả. Bệnh nhân sốt cao sẽ bị mất nước nhiều, hay chóng mặt cần hạn chế đi lại kẻo ngã.
TS Lê Thị Thanh Nhạn (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam)