Tình trạng đau bụng đi ngoài kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước, nếu để kéo dài có thể gây sút cân và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Vì vậy, với trường hợp đau bụng đi ngoài kéo dài liên tục, người bệnh cần tới bệnh viện khám cụ thể.
Đặc biệt, khi bị đau bụng đi ngoài, người bệnh cần bổ sung các loại đồ ăn uống để bù lại những dinh dưỡng đã mất, giảm những loại thức ăn khiến các triệu chứng trở nên nặng hơn. Thức ăn khi sử dụng là những đồ ăn dễ tiêu, mềm, thức ăn nhẹ, dưỡng ẩm, lợi khí, bổ tỳ… Tốt nhất nên ăn trứng, thịt nạc các loại... Nên uống nhiều nước và chất điện giải để bù lại lượng nước và chất điện giải mất do tiêu chảy.
Ăn những thức ăn kiện tỳ, bổ hư như gạo nếp, khiếm thực, hoài sơn dược, ý dĩ, hạt sen, đậu ván... nấu thành cháo thuốc ăn, đồng thời nên ăn trong thời gian dài. Kiêng ăn thức ăn sống lạnh, các loại dưa, rau nhiều xơ, tôm, cua, rượu mạnh, thịt mỡ, thức ăn rán dầu mỡ... và các thức ăn có tính kích thích khác. Dưới đây là một số món ăn bài thuốc cho người già khi bị đau bụng đi ngoài:
Cơm thịt bò nước gừng: Thịt bò tươi 100g, bột lạc, nước gừng vừa đủ. Thịt bò xay nhuyễn, cho vào trong bát có bột lạc, nước gừng, xì dầu trộn đều, khi nấu cơm sắp chín cho lên trên cơm hấp khoảng 15 phút là được. Ăn cơm với thịt.
Cháo vải sơn dược: Cùi vải khô 30g, hoài sơn dược 15g, hạt sen 15g, gạo tẻ 60g, nấu cháo ăn.
Cháo ô mai: Ô mai 20g, hồng táo 15 quả, gạo tẻ 60g, đường phèn 1 ít. Trước tiên cho ô mai vào sắc lấy nước bỏ bã, sau đó cho gạo tẻ và đại táo vào nấu thành cháo, cháo được cho đường phèn vào khuấy tan ăn.
Lá hẹ, nước gừng nấu sữa bò: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g, sữa bò tươi 250g (sữa bột 15g cho thêm nước thành 250g cũng được). Lá hẹ, gừng rửa sạch thái nhỏ, giã nát, dùng vải thưa vắt lấy nước, cho vào nồi, đổ sữa bò vào đun sôi là được.
Lưu ý: Để hạn chế tình trạng đau bụng đi ngoài, người già nên thực hiện:
- Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, các thực phẩm còn sống như cá, thịt, mắm tôm... Các thực phẩm chế biến không an toàn không nên sử dụng; Tránh sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các thức ăn dạng thô, nhiều bã khó tiêu hóa.
- Tránh thực phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng hoặc xuất hiện nấm mốc.
- Các sản phẩm từ sữa, thức ăn lên men hoặc đồ uống có cồn cần hạn chế sử dụng.
- Dụng cụ để chế biến món ăn cần được rửa và bảo quản sạch sẽ.
- Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh tránh vi khuẩn gây ra tình trạng đau bụng đi ngoài.
- Nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra xem hệ thống tiêu hóa hoạt động có trơn tru không từ đó có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)