Tiền sử, năm 2003, ông Q được chẩn đoán bị hẹp hở van 2 lá, hở van 3 lá nặng. Đến năm 2017, bệnh nhân dần bị suy tim độ III-IV, rung nhĩ, tăng áp động mạch phổi nặng.
Do mắc bệnh lâu năm nên ông Q. ăn uống kém, thể trạng suy dinh dưỡng (cân nặng 43kg), vận động khó khăn, di chuyển được vài bước là cảm giác khó chịu, đau ngực, thở dốc.
Kết quả các xét nghiệm cho thấy: men gan cao, bilirubin tăng, dấu chứng suy tim cao, bóng tim to, nhĩ trái khổng lồ, tăng áp lực động mạch phổi nặng, chức năng co bóp cơ tim giảm.
Theo đánh giá hội chẩn ban đầu, các bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhận định tình trạng suy tim của người bệnh ở giai đoạn IV, có xơ gan tim, tuy nhiên chưa đến giai đoạn cuối của suy tim.
Bệnh nhân có thể phẫu thuật điều trị các tổn thương van tim, giúp chức năng tim không xấu thêm.
BSCKII Nguyễn Thị Thu Mai, Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện cho biết, các bác sĩ nội tim mạch giúp ổn định tình trạng suy tim cấp, ổn định chức năng gan. Sau đó ekip mổ sẽ thực hiện phẫu thuật thay van 2 lá, sửa van 3 lá cho bệnh nhân.
Tiên lượng quá trình hồi sức cũng sẽ nặng nề với các diễn tiến suy tim, suy thận, suy gan, viêm phổi, suy hô hấp…
Bên cạnh đó, các bác sĩ hồi sức cũng chuẩn bị phương án dự phòng lọc máu liên tục (CRRT) sau phẫu thuật trong trường hợp người bệnh bị suy thận sau mổ.
Sau mổ, chức năng tim được cải thiện, các cơ quan khác như gan, phổi, thận dần ổn định hơn. Bệnh nhân khỏe hơn và được xuất viện.
Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không thực hiện tốt chức năng đóng mở cho máu lưu thông theo một chiều. Có 2 dạng thường gặp trong bệnh van tim, là hẹp và hở van tim.
Bệnh van tim có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như: bẩm sinh, thoái hóa, bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, bệnh thấp tim…