Những người có kháng thể Anti-TPO (+) có nguy cơ bị viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto và suy giáp. Khoảng 5%–14% các phụ nữ mang thai có Anti-TPO (+), và họ có thể bị giảm khả năng tăng sản xuất hormon tuyến giáp để cung cấp cho thai nhi, dẫn đến một số biến chứng cho thai nhi, trong đó có sảy thai.
Một số phân tích gộp cho thấy nguy cơ bị sảy thai ở những thai phụ có kháng thể Anti-TPO (+) tăng từ 2,3 – 3,9 lần. Tuy nhiên, nghiên cứu này có hạn chế là những phụ nữ có kháng thể (+) lại lớn tuổi hơn và nồng độ TSH trung bình cao hơn so với những phụ nữ có kháng thể (-).
Từ những quan sát này, người ta đã tiến hành 3 nghiên cứu để đánh giá xem liệu điều trị hormon giáp (LT4) có thể làm giảm sảy thai ở những phụ nữ (+) với tự kháng thể Anti-TPO hay không?
Điều trị L-Thyroxin có ngăn được sảy thai ở phụ nữ mang thai có Anti-TPO (+)? |
Nghiên cứu POSTAL ở những phụ nữ mắc viêm tuyến giáp tự miễn nhưng bình giáp: điều trị LT4 không làm giảm có ý nghĩa nguy cơ sảy thai và sinh non. Nó cũng không làm tăng tỷ lệ sinh con sống ở những phụ nữ bình giáp, TPOAb (+) mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Nghiên cứu TABLET: điều trị LT4 trong 1 năm trước khi thụ tinh cho những phụ nữ bình giáp, kháng thể Anti-TPO (+), có tiền sử bị sảy thai ≥ 1 lần hoặc đang điều trị vô sinh. Kết quả: điều trị LT4 không dẫn đến sự khác biệt có ý nghĩa về tỷ lệ sinh con sống so với nhóm chứng (37,4% ở nhóm LT4 so với 37,9% ở nhóm chứng).
Thử nghiệm T4LIFE ở những phụ nữ bình giáp, Anti-TPO (+) bị sảy thai tái phát. Kết quả: điều trị LT4 trước khi thụ thai (phụ thuộc vào nồng độ TSH) không làm tăng có ý nghĩa tỷ lệ sinh sống (50% ở nhóm LT4 so với 48% ở nhóm giả dược).
Từ những kết quả này, Hội tuyến giáp Hàn Quốc trong khuyến cáo năm 2023 (Endocrinol Metab 2023;38:289-294)không khuyến nghị điều trị hormon giáp với mục đích ngăn ngừa sảy thai cho những phụ nữ có kháng thể Anti-TPO (+) nhưng bình giáp.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai)