Sạt lở taluy công trình đèo Prenn, 2 người tử vong
Khoảng 12h15 phút ngày 17/6, khi căng bạt che đổ bê tông bờ taluy công trình đèo Prenn (đoạn đầu đèo), anh Phạm Minh Đức (30 tuổi, trú tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) và ông Nguyễn Hồng Phi (55 tuổi, trú tại phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) bị một khối đất cao khoảng 6m, dài khoảng 20m sạt lở, vùi lấp.
Hiện trường vụ tai nạn lao động. |
Sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động trên, nhiều người có mặt tại hiện trường đã dùng máy múc đất và máy cào để tìm kiếm và đưa 2 nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Tuy nhiên, anh Phạm Minh Đức đã tử vong trước khi đưa đến bệnh viện. Ông Nguyễn Hồng Phi bị thương nặng, được các bác sĩ tích cực cấp cứu, điều trị, tuy nhiên do thương tích nặng, ông Phi cũng tử vong trong đêm 17/6.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo TP Đà Lạt và lãnh đạo Công an TP Đà Lạt đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn và điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn lao động.
Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cũng nhanh chóng vào cuộc phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra, thực hiện những thủ tục để đảm bảo các quy định theo Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ.
Theo tìm hiểu, công trình nâng cấp, mở rộng đèo Prenn có độ dài toàn tuyến hơn 7km, được đầu tư 550 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) – Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả (DCC) là đơn vị trúng thầu thi công.
Kiểm tra an toàn công trình sau vụ 2 công nhân tử vong
UBND Lâm Đồng vừa có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ban ngành liên quan phải thực hiện công tác phòng, chống sạt trượt và đảm bảo an toàn lao động trong thi công công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, những ngày qua, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn và phần lớn các địa phương trong tỉnh có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, nhiều khu vực kết cấu địa chất không ổn định gây nguy cơ sạt lở đất, và ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra một số trường hợp thương vong do sạt trượt mái taluy, sạt trượt đất, gây mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, dự án trong thời gian qua.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị trên chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng các công trình, dự án (bao gồm dự án sử dụng vốn ngân sách và ngoài ngân sách) khẩn trương rà soát, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động theo quy định, nhất là các dự án, công trình thi công tại các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, thi công mái taluy đứng, có độ dốc lớn,... tuyệt đối không được chủ quan và không để xảy ra tai nạn lao động, ảnh hưởng đến tính mạng của người lao động trong công trình và người dân.
Các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các công trình, dự án đang trong quá trình thi công (công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi....) và các khu vực dân cư sinh sống tại các khu vực đồi dốc, ta luy có nguy cơ sạt lở cao, khu vực trũng thấp,… thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình; đặc biệt là các công trình đang thi công phần móng, mái bạt taluy có nguy cơ sạt trượt, mất an toàn trong quá trình thi công (các vị trí sườn dốc, mái taluy đào lớn, nền đắp cao, kè chắn, móng cọc...).
Từ đó, yêu cầu các cơ quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, thi công theo đúng bản vẽ thiết kể và chất lượng công trình, phù hợp với điều kiện thực tế.
Kịp thời phát hiện, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công dừng thi công xây dựng công trình, dự án có nguy cơ gây mất an toàn lao động hoặc trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công không thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn lao động theo quy định; xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn trong thi công xây dựng; giám sát các biện pháp đảm bảo an toàn đối với máy móc thiết bị, công trình lân cận, công tác quan trắc công trình đối với các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn…
Các nhà thầu thi công cần có biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao trong quá trình thi công; thường xuyên rà soát kế hoạch tổng hợp về an toàn, biện pháp đảm bảo an toàn và đề xuất điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế thi công xây dựng. Tuyệt đối không để xảy ra sự cố máy móc trong quá trình thi công gây ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý an toàn lao động tại các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình từ khâu thiết kế, thi công và giám sát thi công công trình; bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, không để gây nguy hiểm đến tính mạng, hạn chế gây hại đến sức khỏe người lao động và nhân dân.
Kịp thời phát hiện những trường hợp không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động trong công trình xây dựng hoặc cố ý sai phạm để chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bảo vệ Vinhome Ocean Park tử vong sau cú tông của tài xế taxi