Vừa qua, nhân dân và chính quyền xã An Thọ (huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia cho đền thờ Lê Khắc Cẩn. Đây là công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng quan trọng của dòng tộc họ Lê, xã An Thọ nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.
Đền thờ song nguyên Hoàng Giáp duy nhất ở Hải Phòng
Toạ lạc tại làng văn hoá Đông Hạnh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 18 km, đền thờ Lê Khắc Cẩn được gọi theo tên của tiến sĩ Lê Khắc Cẩn, danh nhân của đất Hải Phòng thế kỷ 19.
Tư liệu của Thành đoàn Hải Phòng cho biết, Lê Khắc Cẩn sinh năm 1833 trong gia đình nhà nho yêu nước; thân phụ là giáo học, sau làm nghề thuốc, tên huý là Tường Vân; thân mẫu là Đoàn Thị. Thuở nhỏ, ông thông tuệ, nổi tiếng thần đồng, thường giúp cha biên chép sổ sách. Quá trình học tập, nức tiếng văn tài, ông đứng đầu các kỳ thi khảo khóa, phúc hạch ở huyện, tỉnh.
Kỳ thi Hội năm Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Đệ nhị danh (Hoàng Giáp), đổi là Lê Khắc Nghị. Sau đó, mọi người gọi ông là “Song nguyên Hoàng Giáp” - vị Hoàng Giáp hai lần đỗ đầu - vì thi Hương đỗ Giải nguyên, thi Hội đỗ Hội nguyên. Ông được ghi nhận là vị Tiến sĩ, song nguyên Hoàng giáp duy nhất trong lịch sử truyền thống khoa bảng của thành phố Hải Phòng dưới triều Nguyễn.
Toàn cảnh đền thờ Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn. Ảnh: Cổng TTĐT Huyện An Lão. |
Sự nghiệp của Lê Khắc Cẩn gắn liền thời kỳ lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam có nhiều bước ngoặt. Dưới triều vua Tự Đức, Lê Khắc Cần đảm nhận nhiều vị trí, chức vụ quan trọng từ triều đình Huế đến các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định… Dù ở cương vị nào, Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn luôn tỏ rõ là con người tài năng, mẫn cán trong công việc, được vua tin tưởng, đồng liêu nể trọng, nhân dân quý mến.
Giai đoạn ông làm quan, triều đình nhà Nguyễn lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tình hình chính sự của đất nước rối ren, chế độ phong kiến suy tàn. Là bậc văn sĩ tài năng, mang những trăn trở, suy tư về vận mệnh của dân tộc, ông có những vần thơ thể hiện ý chí, tinh thần yêu nước, trở thành đại diện tiêu biểu của phong trào biến thơ văn thành vũ khí sắc bén buổi đầu chống Pháp của dân tộc ta.
Lê Khắc Cẩn để lại nhiều tập thơ, điếu văn, biểu, văn tế như: Hải Hạnh văn phái, Hải Hạnh thi tập, Miễn Trai thi tập, Hải Hạnh thi văn tập, Biểu tòng chinh…Với kho tàng thơ văn đồ sộ, ông được người đời vinh danh là Trạng thơ.
Nối tiếp truyền thống khoa bảng của gia đình, con trai ông là Lê Khắc Mô, sau đổi là Mạnh Phổ, cũng đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu triều Thành Thái 1897, rồi được bổ làm Huấn đạo Đông Quan.
Sau khi Lê Khắc Cẩn mất năm 1869, thể theo tâm nguyện của ông, Huấn đạo huyện Nam Trực cùng con cháu an táng mộ phần tại Mả Cả (thôn Trung, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Từ đường họ Vũ (thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá) là nơi phối thờ Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn - người bạn tâm giao của Huấn đạo Vũ Trọng Liên. Việc thờ tự tại Từ đường ngành họ Vũ ca ngợi tình bằng hữu sâu sắc, sự trung nghĩa, trung văn, tri âm, tri kỷ, tấm gương sáng để con cháu hai dòng họ nói riêng và thế hệ sau nói chung noi theo.
Không gian thờ tự trong đền Lê Khắc Cẩn. Ảnh: Báo An ninh Hải Phòng.
Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”
Theo Thành đoàn Hải Phòng, tại quê hương Lê Khắc Cẩn (thôn Hạnh Thị, xã An Thọ, huyện An Lão), con cháu dòng họ Lê dựng 3 gian nhà nhỏ đơn sơ tôn thờ ông ngay trên mảnh đất của gia đình. Trải qua biến động của lịch sử, sau năm 1945, nhà thờ Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn đổ nát. Để tri ân công đức của Tiến sĩ, Nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 20/3/2008, giao UBND huyện An Lão lập Dự án đầu tư xây dựng đền thờ Lê Khắc Cẩn tại chính nơi thờ xưa. Ngày 13/10/2008, đền thờ Tiến sĩ, Nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn đã khánh thành.
Đền được xây dựng có hướng nhìn về chính Đông, gồm các hạng mục: Đền thờ chính, tả hữu giải vũ, nhà bia, tam quan, lầu bát giác, hồ nước… trên tổng diện tích 11.767 m2. Đây là công trình mô phỏng kiến trúc thời nhà Nguyễn, đền chính có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh truyền thống, kiến trúc được xây dựng theo thức cổ truyền với 2 tầng mái, đao cong, mái lợp ngói vảy… Toà Tiền đường thiết kế kiểu 5 gian 2 chái. Tòa Hậu cung thiết kế 3 gian, hoa văn trang trí trên kiến trúc là những đề tài quen thuộc như: Chạm nổi lá lật, đấu cánh sen, đầu dư chạm rồng, lá cách điệu rồng, “long, lân, quy, phụng”.
Trong đền, nhiều hiện vật giá trị còn được lưu giữ như: Long ngai, bát bửu, biển rước; nhang án; hệ thống hoành phi, câu đối, cuốn thư… Đến năm 2021, để tưởng nhớ Lê Khắc Cẩn, con cháu dòng họ Lê đã tạc tượng ông. Đây là việc làm vừa thể hiện sự tri ân, vừa góp phần nhắc nhở, giáo dục các thế hệ mai sau luôn ghi nhớ công lao to lớn của nhà yêu nước Lê Khắc Cẩn.
Hàng năm, con cháu trong dòng tộc cùng người dân địa phương tổ chức 2 sự lệ: 23/3 âm lịch là ngày giỗ cụ Lê Khắc Cẩn và 15/11 âm lịch giỗ chạp họ. Với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hoạt động tâm linh, tín ngưỡng tại đền thờ góp phần bảo tồn được giá trị văn hoá phi vật thể tốt đẹp của cộng đồng dân cư địa phương.
Có thể nói, đền thờ Lê Khắc Cẩn không chỉ là nơi tưởng niệm một danh nhân, vị quan thanh liêm, nhà thơ yêu nước, mà còn là trung tâm văn hóa tín ngưỡng, nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ mai sau. Đồng thời, ngôi đền là điểm đến du lịch tâm linh cho du khách thập phương cùng tìm hiểu về cội nguồn của một nhà khoa bảng thành danh và một miền quê hiếu học.
Với những giá trị lịch sử - văn hoá, ngày 12/3/2024 tại Quyết định số 606/QĐ-BVHTTDL, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đền thờ Lê Khắc Cẩn (xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) là Di tích lịch sử Quốc gia.