KINH TẾ

Điện mặt trời gia đình: Lợi thì có lợi, nhưng thiếu lý do phổ cập

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Hàng nghìn hộ dân và doanh nghiệp phía Nam đã lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, xử lý bài toán cân bằng hiệu quả kinh tế và pháp lý để nhân rộng mô hình này, thì hiện vẫn vướng mắc.

Hiệu quả phụ thuộc... ông trời

Để bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt từ giai đoạn sau năm 2020, khi phát triển các nguồn cấp mới thu hẹp, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời - trong đó có điện mặt trời (ĐMT) áp mái - được xem là một trong những giải pháp tốt. Theo Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), dù đã có định hướng, cơ chế hỗ trợ, tuy nhiên 2 năm qua mới có 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 30MW. Có nhiều nguyên nhân khiến ĐMT áp mái chưa bùng nổ, chẳng hạn như vướng quy định thanh toán, thuế, khả năng tài chính ban đầu, cường độ bức xạ... và hiệu quả kinh tế chưa cao.

Theo tính toán, với nhu cầu dùng điện 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng (150 – 300kWh/tháng), chỉ cần lắp hệ thống pin mặt trời 2kWp. Với nhu cầu trung bình, dùng điện 1 - 2 triệu đồng/tháng (450 – 600kWh/tháng), nên lắp đặt hệ thống 3 – 4kWp. Với nhu cầu cao hơn, dùng điện 2 - 3 triệu đồng/tháng (600 – 750kWh/tháng), nên lắp đặt hệ thống 4 – 5kWp. Nhu cầu cao hơn nữa, ở mức dùng từ 3 - 5 triệu đồng/tháng (750kWh – 950kWh/tháng), nên lắp hệ thống 6 – 7kWp… Cơ quan, văn phòng hay doanh nghiệp lớn có thể tham khảo hệ thống 12kWp.

Hiện trên thị trường, giá một hệ thống hòa lưới điện mặt trời 550Wp khoảng 20-25 triệu đồng. Hệ thống 5kWp 1 pha là 82 triệu đồng. Có nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào chất lượng hệ thống panel, sản lượng tiêu thụ, pin mặt trời, bình ắc quy, biến tần tích hợp bộ điều khiển, hệ thống dàn giá đỡ… Ví dụ hệ thống ĐMT hòa lưới 550Wp giá 20-25 triệu sẽ cho sản lượng: 66kWh/tháng, giá thành chi phí trả tiền điện: 1.010đ/kWh, ngoài ra còn giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà và giảm phát thải CO2.

Theo TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi gia đình lắp đặt ĐMT áp mái có thể tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng/năm so với dùng điện lưới. Về lý thuyết, với tuổi thọ dự kiến là 25 năm của tấm pin mặt trời áp mái, trừ chi phí đầu tư, mỗi gia đình tiết kiệm được 79 triệu đồng. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lắp đặt ban đầu cao, hệ thống chuyển tải phức tạp, thực tế tiền điện tiết kiệm không được là bao. Vì muốn đánh giá hiệu quả của điện áp mái, cần xem chi phí và chất lượng của panel năng lượng mặt trời, cụ thể là panel được chế tạo năm nào, của hãng nào... Panel càng mới thì càng cho khả năng tiết kiệm tiền điện.

Việc lắp đặt điện mặt trời áp mái hiện đã khá dễ dàng, dù chi phí khoảng 20-25 triệu đồng cho 1kWp điện mặt trời áp mái vẫn khá cao đối với nhiều hộ gia đình. Đáng lưu ý, giá thành sản xuất điện mặt trời áp mái giữa các địa phương là khác nhau. Lý do cường độ bức xạ mặt trời khác nhau. Trong đó, cường độ bức xạ mặt trời tại TPHCM, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ lớn hơn Hà Nội rất nhiều. Báo cáo nghiên cứu về năng lượng của WB cho rằng, chỉ khoảng 30% mái nhà ở TPHCM và Đà Nẵng có khả năng lắp đặt điện mặt trời áp mái cho hiệu quả. Nếu gia chủ đi vắng cả ngày, việc đầu tư điện năng lượng mặt trời không thực sự hiệu quả.

 

Hạn chế phụ thuộc con người

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, mỗi gia đình, trên mái nhà có thể lắp đặt điện mặt trời công suất 3-10kW, phù hợp với lưới điện hạ thế, không phải đầu tư thêm lưới truyền tải. Khi lắp đặt được công suất đó, mỗi gia đình sẽ chủ động được nguồn điện chạy các thiết bị gia đình. Khi không dùng điện có thể bán lại cho EVN. Những gia đình sử dụng từ 300 - 400kWh mỗi tháng có thể sớm hoàn vốn nếu đầu tư hệ thống này. Ban ngày sẽ sử dụng được điện mặt trời, có thể giảm được tiền điện, giảm được lượng điện tiêu thụ của EVN. Nếu đi làm, không sử dụng điện đó, tự động lưới điện của EVN tiếp nhận hết, có công tơ 2 chiều để đo. Nói cách khác, toàn bộ các hộ gia đình có thể lắp điện áp mái để bán điện lại cho EVN.

Tuy nhiên, theo chính EVN, các đơn vị của tập đoàn này chưa thể ký được hợp đồng mua ĐMT áp mái, do chưa có hướng dẫn về cách thức quyết toán tiền điện cho khách hàng. Đồng thời, chi phí thiết bị và chi phí lắp đặt điện mặt trời còn cao nên chưa khuyến khích khách hàng đầu tư, lắp đặt. Nếu lắp công tơ 2 chiều xong, để mua điện, ngành điện lực lại phải chuyển đổi phần mềm quản lý và một số vấn đề kỹ thuật, điện lực địa phương mất công hơn mà lợi ích thì chưa rõ. Và hiện cũng chưa có giải pháp, mô hình đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy phát triển thị trường điện áp mái… Nên ngay ở các thành phố lớn, số hộ lắp điện mặt trời áp mái vẫn vô cùng ít ỏi.

Theo TS Hoàng Trung Kiên, Giảng viên Khoa Năng lượng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, về kỹ thuật, hệ thống ắc quy lưu trữ điện cần được sạc 14-16 tiếng thì mới đủ sử dụng cho mỗi gia đình. Trong khi tuổi thọ của ắc quy thường thấp, chế độ bảo trì kém và thói quen sử dụng chưa đúng... dẫn đến tuổi thọ hệ thống ngắn, hiệu quả thấp. Nếu sử dụng đúng, sau 1.000 lần sạc - xả cũng phải thay mới ắc quy, tức là về lý thuyết là vào khoảng gần 3 năm sử dụng. Tại các hộ gia đình, buổi tối mới là lúc sử dụng nhiều điện, nên ĐMT nối lưới hiệu quả thấp. Chỉ các cao ốc văn phòng, siêu thị, khách sạn, các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện nhiều vào ban ngày... thì lắp hệ thống năng lượng mặt trời là phù hợp. Mặt khác, hiện hệ thống lưới điện cũng chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để cấp điện dư vào hệ thống. 

Để tiết kiệm khi lắp đặt điện mặt trời, không nên lắp công suất lớn quá nhu cầu sử dụng, đầu tư tốn kém mà không hiệu quả. Với hệ thống 1kWp, chi phí đầu tư khoảng 25 triệu, diện tích cần để lắp đặt khoảng 5m2. Một ngày tiết kiệm được khoảng 4, 5 số điện (khoảng 10.000đ) (tức là một năm tiết kiệm được khoảng 3,6 - 4 triệu đồng). Định kỳ nếu vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời không đảm bảo thì hiệu suất điện cũng giảm.

Tuyết Vân