Doanh nghiệp

Điểm chung ít biết về 4 tỷ phú USD Việt Nam

Dù 4 tỷ phú USD của Việt Nam kinh doanh đa ngành nghề nhưng có điểm chung đều ít nhiều ‘nhúng tay’ vào bất động sản với nhiều dự án ‘khủng’ trên khắp cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM.

4 tỷ phú USD Việt Nam đều thành công trên lĩnh vực bất động sản.

Đứng đầu danh sách các tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup với tài sản 4,3 tỷ USD, người giàu thứ 499 thế giới, tăng 1,9 tỷ USD so với năm ngoái. Tập đoàn Vingroup đang sở hữu và quản lý hơn 40 dự án bất động sản trên toàn quốc nhưng ấn tượng về Vingroup không dừng ở quy mô khủng mà chính là chất lượng sống được đầu tư bài bản theo chuẩn quốc tế hàng đầu Việt Nam.

Vincom Bà Triệu là dự án đầu tiên đánh dấu mốc quan trọng của Vingroup tại thị trường địa ốc thủ đô trên diện tích xây dựng trên 13.039m2, với 2 tòa cao ốc 30 tầng, bao gồm các tháp văn phòng hạng A và tháp căn hộ siêu sang. Tại đây cũng tổ hợp các trung tâm thương mại, dịch vụ, đây là nơi có một trong những siêu thị lớn nhất Hà nội.

Tiếp sau đó, Vinhomes Royal City , Times City tạo nên khu đô thị đẳng cấp ở Hà Nội cũng như thương hiệu của Vingroup. Dự án Riverside là một trong những khu đô thị đầu tiên tại Việt Nam. Đây là khu biệt thự được xây dựng riêng lẻ. mang tên biệt thự ven sông, Khu biệt thự này mang theo phong cách từ đất nước Italy, thành phố Venice, một trong những thành phố đẹp và lãng mạn nhất. Vinhomes Riverside được so sánh ngang tầm với các dự án biệt thự cao cấp trên thế giới.

Vinhomes Central Park, là dự án lớn đầu tiên của Vingroup tại Thành phố Hồ Chí Minh, lấy cảm hứng từ khu Central Park New York nổi tiếng thế giới, Vinhomes Central Park toạ lạc ở vị trí vô cùng đắc địa ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn viên khu Tân Cảng, mặt tiền trải dài hơn 1 km bên bờ sông Sài Gòn. Ngoài ra, còn hàng loại các dự án cao cấp như: Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Vinhomes Trần Duy Hưng, Vinhomes Mễ Trì…

Bên cạnh đó, với 16 quần thể nghỉ dưỡng, công suất 9.500 phòng khách sạn và biệt thự Vinpearl; 3 sân golf; 4 khu vui chơi giải trí Vinpearl Land – Vingroup đang sở hữu hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng quy mô nhất Việt Nam. Chuỗi Vinpearl trải dài từ Bắc vào Nam đã hiện diện tại 9 địa danh du lịch nổi tiếng nhất với ưu điểm vượt trội là mô hình tổ hợp đồng bộ: nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí – ẩm thực – khám phá… Vinpearl cũng đang phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như chuỗi Vinpearl City Hotel – khách sạn trong thành phố; chuỗi condotel – căn hộ khách sạn… và trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam.

Đứng thứ 2 tỷ phú USD của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air  với tài sản 3,1 tỷ USD, đứng thứ 766 thế giới. Nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam còn biết đến với vai trò là cổ đông chính của Sovico Holdings. Sovico Holdings hiện cũng là chủ sở hữu Khách sạn năm sao Furama Resort Đà Nẵng, Dự án khu đô thị cao cấp 65 ha Phú Long tại Nam Sài Gòn, Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp tại Phú Quốc, Dự án dự án Furama villas quy mô 27ha tại Đà Nẵng và nhiều dự án bất động sản ở các vị trí chiến lược đắc địa khác…

Công ty Địa ốc Phú Long – doanh nghiệp phát triển các dự án BĐS lớn tại TP.HCM và là thành viên tập đoàn Sovico Holdings, mới đây đã thâu tóm toàn bộ 50% cổ phần tại dự án Splendora từ Công ty xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc). Theo đó Sovico Holdings trở thành cổ đông ngang hàng với Vinaconex tại dự án này. Trước khi mua lại số cổ phần này, Phú Long đã tăng vốn liên tiếp từ tháng 12/2017 từ 700 tỷ lên 2.300 tỷ đồng, sau đó tăng lên 3.000 tỷ đồng.

Thứ 3 trong xếp hạng của Forbes là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải cũng tham gia vào bất động sản khi làm chủ CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh – chủ đầu tư của dự án khu đô thị Sala nằm tại vị trí đắc địa của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh – cuối năm 2016. Trong báo cáo kiểm toán bán niên 2017, kinh doanh bất động sản đem về cho Thaco hơn 1.645 tỷ đồng doanh thu và 443 tỷ lợi nhuận.

Đứng thứ 4 tỷ phú USD là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát. Khởi đầu với một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt lấn sân sang nhiều lĩnh vực, từ nội thất, ống thép, thép, điện lạnh và năm 2001 bất động sản trở thành mảng kinh doanh thứ 5 của tập đoàn này.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hoà Phát – thành viên thứ 5 của Tập đoàn Hoà Phát- được thành lập ngày 28/09/2001 tại Hà Nội là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư – xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp, đầu tư và kinh doanh bất động sản và xây dựng công trình dân dụng. Tòa nhà Hòa Phát Giải Phóng tọa lạc tại địa chỉ 257 đường Giải Phóng, Hà Nội là dự án ghi dấu đầu tiên của Hòa Phát trong mảng hoạt động này, tiếp sau đó lần lượt là các dự án Madarin.

Tuy nhiên, so với thép, mảng hoạt động này gần như chỉ mang tính “thêm mắm thêm muối”. Trong quý gần nhất, doanh thu từ bán và cho thuê bất động sản của Hòa Phát chỉ khoảng 220 tỷ đồng, vẫn còn khiêm tốn so với quy mô tổng doanh thu gần 13.000 tỷ đồng.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)