Ngân hàng rao bán nợ không có tài sản bảo đảm
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Lâm Đồng vừa có thông báo bán đấu giá khoản nợ không có tài sản bảo đảm của CTCP Địa ốc Đà Lạt (Dalat Real, UPCoM: DLR).
Cụ thể, khoản nợ này của Địa ốc Đà Lạt phát sinh từ 2 hợp đồng tín dụng từ năm 2012 và không có tài sản bảo đảm.
Khoản nợ được Agribank xác định là nợ xấu từ năm 2017. Agribank Chi nhánh Lâm Đồng đã khởi kiện ra TAND thành phố Đà Lạt, được giải quyết tại bản án ngày 20/5/2022, hiện bản án đã có hiệu lực và đang được thi hành.
Đồng thời, Agribank Chi nhánh Lâm Đồng cũng đã làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Lạt kê biên tài sản của Địa ốc Đà Lạt để bảo đảm cho việc thi hành án.
Agribank đưa ra mức giá bản khoản nợ này tối thiểu là 18,5 tỷ đồng.
Kinh doanh liên tục thua lỗ khiến vốn âm, nội tại nhiều vấn đề
Địa ốc Đà Lạt được thành lập từ việc cổ phần hoá từ Công ty Kinh doanh và Phát triển Nhà Lâm Đồng năm 2006.
Về tình hình kinh doanh, Địa ốc Đà Lạt bắt đầu kinh doanh thua lỗ từ năm 2013 và 2014 lần lượt là 6,8 tỷ và 12,6 tỷ đồng. Năm 2015 khả quan hơn khi có lãi hơn 1 tỷ đồng.
Song từ năm 2016 đến 2022 liên tục chìm trong thua lỗ, tức 7 năm liên tiếp. Riêng 9 tháng 2023, Địa ốc Đà Lạt vẫn chưa thoát khỏi cảnh này khi lỗ 976 triệu đồng khiến lỗ luỹ kế hơn 70 tỷ đồng kéo vốn chủ sở hữu âm 18 tỷ đồng.
Theo giải trình của Địa ốc Đà Lạt, công ty thu hẹp sản xuất, tạm dừng và chuyển đổi mô hình quản lý một số hoạt động của Công ty Vật liệu Xây dựng Địa ốc Đà Lạt, Công ty Du lịch Mai Anh Đào về điều hành trực tiếp do sản xuất không hiệu quả. Mặt khác, một số dự án của công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa phát sinh doanh thu trong khi phải chịu chi phí quản lý cũng như khấu hao và lãi vay.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, Địa ốc Đà Lạt ghi nhận quy mô tổng tài sản giảm 6,7% so đầu năm, về mức 55 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền mặt còn rất ít chỉ gần 2 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn vẫn ở mức 4,7 tỷ đồng do phải trích dự phòng khó đòi gần 16 tỷ đồng. Hàng tồn kho chỉ gần 18 tỷ đồng. Đáng nói, khoản đầu tư tài chính dài hạn của Địa ốc Đà Lạt đã ghi âm 1,5 tỷ đồng do trích lập dự phòng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 73 tỷ đồng, Địa ốc Đà Lạt đang vay nợ tài chính ngắn hạn 9,6 tỷ đồng và không phát sinh dài hạn. Công ty không thuyết minh rõ vay tại những ngân hàng nào. Song tại thời điểm cuối năm 2012, Địa ốc Đà Lạt đang vay ngắn hạn 11,8 tỷ đồng từ Agribank với lãi suất 12%/năm, còn lại vài trăm triệu đồng từ các cá nhân.
Hiện Địa ốc Đà Lạt chưa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2023, song tại báo cáo kiểm toán 2022, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc công ty có lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu.
Đồng thời nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn gần 44 tỷ đồng. Công ty cũng chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh toán cũng như tìm kiếm nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường.
Do đó, đơn vị kiểm toán cho rằng những việc này cho thấy sự tồn tài của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Địa ốc Đà Lạt.
Ngoài ra, nội tại Địa ốc Đà Lạt cũng đang có nhiều vấn đề khi chưa phát hành tăng vốn từ 45 tỷ lên 75 tỷ đồng như Nghị quyết ĐHĐCĐ 2016 thông qua. Hay việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 cũng chưa được tổ chức do có tranh chấp tại Tòa án về quyền sở hữu đối với cổ phiếu giữa các cổ đông.
Kinh doanh bết bát khiến cổ phiếu DLR cũng đang bị nằm trong diện hạn chế giao dịch và hầu như không có giao dịch. Đóng cửa phiên ngày 7/12 ở mức chỉ 8.500 đồng/ cổ phiếu, ghi nhận mức lao dốc 68% kế từ khi lên sàn.