Làm đẹp

Dị ứng da đầu do thuốc nhuộm tóc: Cách gì phòng tránh?

  • Tác giả : Thúy Nga
Việc nhuộm tóc giúp mang lại cho bạn sự tự tin, cá tính. Thế nhưng nếu việc nhuộm tóc được tiến hành tại các cơ sở không uy tín và thuốc nhuộm tóc không đảm bảo thì lại là vấn đề đáng lo ngại...

Đầu đầy mụn và nhiễm độc toàn thân sau nhuộm tóc

Người bệnh Đ.V.T. 47 tuổi (Thượng Yên Công – TP. Uông Bí) tới khám tại phòng khám Da liễu của bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng: da đầu ngứa, ửng đỏ, nhiều mụn nước li ti do nhuộm tóc .

Sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được điều trị thuốc theo đơn của bác sĩ. Sau 10 ngày, tình trạng da đầu của người bệnh ổn định, hết tình trạng ngứa.

Theo BSCKI.Tạ Thị Chà cho biết: Dị ứng thuốc nhuộm tóc có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu, da đầu ửng đỏ, sưng nề và xuất hiện mụn nước. Các mụn nước này vỡ ra khiến vi khuẩn xâm nhập, gây nên các bệnh lý như: rụng tóc, viêm da tiếp xúc, lở loét da đầu,… làm gia tăng nguy cơ ung thư.

Phòng khám Da liễu của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông bí đã điều trị cho rất nhiều trường hợp viêm da, dị ứng do mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc....

Bệnh nhân bị dị ứng do thuốc nhuộm tóc - Ảnh BVCC

Bệnh nhân bị dị ứng do thuốc nhuộm tóc - Ảnh BVCC

Các bác sĩ khuyến cáo, những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm,... nên hết sức thận trọng. Bệnh nhân mắc bệnh ở da đầu, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên nhuộm tóc.

Theo BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm Mỹ Da, bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, dị ứng thuốc nhuộm có thể xảy ra do các thành phần hóa chất trong thuốc hoặc vấn đề da đầu của khách hàng.

Cụ thể, trong thuốc nhuộm có nhiều chất như thảo dược, phẩm màu, chất bảo quản, chất tạo mùi hương... Nếu kỹ thuật không đúng sẽ khiến thuốc bám dính trên da đầu quá nhiều, gây viêm. Thuốc nhuộm cũng là một chất lạ với cơ thể, có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Bên cạnh đó, khách hàng bị viêm da dầu, bệnh lý vảy nến hay bệnh về da đầu, sẽ xảy ra phản ứng viêm nhiều hơn khi tiếp xúc với hóa chất của thuốc nhuộm.

Với người nhuộm tóc lần đầu, biểu hiện của dị ứng có thể là rát, ngứa da đầu. Vài ngày sau, xuất hiện mụn nước, vỡ ra khiến vi trùng xâm nhập tạo thành mụn mủ.

Nếu không kiểm soát tốt, người bệnh cào gãi nhiều, có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân. Triệu chứng lúc này là sốt, ớn lạnh, mệt mỏi.

Trường hợp sau nhuộm tóc, khuôn mặt bị sưng phù chứng tỏ đã diễn tiến sang nhiễm trùng toàn thân. Quanh mi mắt và môi sẽ sưng lên, nặng hơn có thể bị phù nề niêm mạc, gây khó thở.

Người bệnh cũng có thể nhập viện do nhiễm độc toàn thân. Việc nhuộm với nồng độ cao, ủ tóc trong thời gian dài sẽ khiến hóa chất được hấp thu theo đường máu, gây ra triệu chứng nhiễm độc như môi khô, lưỡi dơ, thậm chí hôn mê.

Tổn thương da đầu đã lành sau điều trị - ảnh BVCC

Tổn thương da đầu đã lành sau điều trị - ảnh BVCC

Những điều cần lưu ý sau khi nhuộm tóc

BS.CKII. Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, thay đổi màu tóc là một nhu cầu làm đẹp rất thông dụng nhất là đối với phái nữ. Để thay đổi màu tóc chúng ta phải tốn hàng giờ tại cơ sở làm đẹp, do đó việc giữ màu tóc lâu dài là điều rất quan trọng.

Việc chăm sóc tóc sau nhuộm nếu không thực hiện đúng cách sẽ khiến cho tóc khô, mất bóng và đặc biệt là phai dần hoặc có màu tóc không như mong muốn. Như vậy sau khi nhuộm tóc, chúng ta cần lưu ý điều gì để có hiệu quả tối ưu?

Gội đầu ngay sau khi nhuộm: Chúng ta đều biết rằng không nên gội ngay sau khi nhuộm, nhưng phải đợi bao nhiêu ngày là đủ? Theo các nhà nghiên cứu thì 3 ngày sau nhuộm là thời gian thích hợp nhất để gội đầu trở lại. Vì tóc chúng ta cần ít nhất 24 giờ để màu nhuộm ổn định.

Sử dụng dầu gội dịu nhẹ: Sau nhuộm, việc chọn lựa dầu gội mỗi ngày đóng vai trò rất quan trọng trong việc kéo dài màu tóc. Dầu gội không sulfate và dầu gội đặc trị dành riêng cho tóc nhuộm là những chọn lựa tốt.

Kết hợp nhiều loại dầu gội: Hiện nay có nhiều loại dầu gội giúp giữ màu tóc hoặc làm đen tóc. Nếu có thể bạn nên sử dụng kết hợp loại dầu này 1 tuần/ lần. Các dầu gội này sẽ giúp tóc có màu sắc sáng và giữ màu nhuộm tốt hơn. Các loại dầu gội này thường có màu đặc trưng tùy màu tóc nhuộm.

Gội đầu từ 2-3 lần/tuần: Theo các chuyên gia, để giữ được màu tóc lâu hơn, chúng ta chỉ nên gội đầu từ 2 đến 3 lần mỗi tuần. Việc gội đầu hàng ngày không những làm màu tóc chúng ta phai nhanh hơn mà còn làm mất đi chất nhờn tự nhiên giúp bảo vệ tóc.

Nhuộm tóc - ảnh minh họa

Nhuộm tóc - ảnh minh họa

Tránh tiếp xúc với clo: Đi bơi thường xuyên hoàn toàn không tốt cho tóc chúng ta vì lượng Clo trong nước hồ bơi rất nhiều. Clo mang tính tẩy, do đó cũng làm màu tóc phai rất nhanh. Ngoài ra, chúng ta cần sử dụng thêm kem chống nắng dành cho tóc trong mùa hè, để bảo vệ màu tóc được tốt hơn.

Tránh gội đầu bằng nước nóng: Khi gội đầu bằng nước nóng, sẽ khiến cho lớp ngoài sợi tóc mở ra, làm màu nhuộm phai đi nhanh hơn. Do đó việc gội đầu bằng nước nóng cần hạn chế.

Sử dụng loại dầu gội an toàn cho tóc: Để bảo vệ màu tóc nhuộm, chúng ta nên có nhiều loại dầu gội giúp bảo vệ tóc, nhất là các dầu gội không chứa Sulfate.

Không nên đi nắng quá nhiều: Tóc cũng nhanh chóng bị phai màu khi chúng ta tiếp xúc ánh nắng quá nhiều. Cũng như da, chúng ta cần sử dụng thêm kem chống nắng để bảo vệ tóc. Hoặc có thể dùng thêm mũ che nắng khi đi biển.

Chú ý dầu gội điều trị và mặt nạ tóc:Các dầu gội điều trị gàu thường khiến tóc phai màu nhanh hơn. Ngoài ra một số mặt nạ dưỡng tóc cũng khiến tóc mất đi màu sắc nhuộm trước đó. Do đó khi sử dụng các sản phẩm này, chúng ta cần đặc biệt lưu ý

Bảo vệ tóc tối đa: Máy uốn, sấy nóng đều khiến tóc tổn thương và phai màu nhanh. Để bảo vệ tóc, chúng ta nên chọn máy uốn sấy có thể điều chỉnh nhiệt độ thích hợp.

Tránh tiếp xúc với hóa chất: Các loại keo xịt tạo kiểu tóc chứa cồn có thể khiến tóc phai màu nhanh, do đó sau nhuộm, chúng ta nên hạn chế.

Để phòng tránh dị ứng khi nhuộm tóc khách hàng cần kiểm tra bằng cách nhuộm một phần tóc nhỏ, theo dõi trong 2-3 ngày. Nếu không có vấn đề gì trên da và cơ thể, việc nhuộm tóc có thể tiến hành.

Thợ nhuộm phải có kỹ thuật tốt để thuốc không bám vào da quá nhiều hoặc thời gian ủ quá lâu, gây hại cho người được nhuộm tóc.

Ngoài ra, cần chọn thuốc có nguồn gốc rõ ràng, so sánh thành phần thuốc nhuộm với loại đã từng gây dị ứng, tránh nguy cơ tái dị ứng ở lần nhuộm tiếp theo.

Thúy Nga