Khoa học & Công nghệ

Đèn pin, điện thoại cũng làm gas phát nổ

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Dùng đèn pin, điện thoại để soi, bật quạt điện kiểm tra bình gas khi rò rỉ cũng có thể làm gas phát nổ

Kiểm tra rò rỉ gas bằng cách nào?

Bà Lê Thị Hường (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ, mới đây bình gas đun nấu nhà bà bị rò rỉ gas. Khi bà cầm chiếc điện thoại, bật đèn pin của điện thoại lên để kiểm tra xem gas rò rỉ ở chỗ nào thì anh con trai bà mắng. Anh bảo dùng điện thoại cũng dễ làm gas bị bắt lửa, có thể gây cháy nổ rất nguy hiểm. Theo bà được biết thì chỉ nghiêm cấm sử dụng bật lửa, diêm… để kiểm tra xăng, gas, chứ không thấy khuyến cáo cấm sử dụng đèn pin để kiểm tra gas. Vậy đâu mới là đúng? Gas gặp ánh sáng của đèn pin, bóng điện… có thể phát nổ hay không?

ThS Trần Thắm, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, gas là khí không màu, không mùi, không vị nhưng khi sản xuất, người ta trộn thêm chất phụ gia có mùi thối vào để người dùng dễ nhận biết nếu gas bị rò rỉ. Khi ngửi thấy mùi đặc trưng này, nhất là vào ban đêm, nhiều người dùng bật lửa, diêm để kiểm tra là rất nguy hiểm. Gas bắt lửa rất nhạy nên phải rất cẩn trọng. Việc bật điện, bật quạt lên cũng có thể khiến gas bắt lửa. Do đó khi kiểm tra bình gas bị rò rỉ phải rất cẩn thận.

Có nhiều cách để kiểm tra gas bị rò rỉ. Ví dụ như ngửi thấy mùi gas dù không đun nấu thì có thể là do đường dây bị thủng hay đứt do chuột cắn, có thể là đường dây gia đình bạn đã dùng quá lâu năm mà không thay mới hoặc do khóa van bị hỏng, ống nối sai khớp. Ngay khi bạn thấy có mùi gas trong khu vực bếp, lập tức  khóa chặt van bình gas lại, mở tung cửa để giảm bớt nồng độ gas. Sau đó dùng quạt tay quạt bớt nồng độ gas.

Khu vực đặt bình gas nên thoáng, có cửa sổ để nếu sự cố xảy ra thì có thể xử lý được. Còn nếu để trong phòng kín mà gas trong bình bị rò rỉ, hơi gas sẽ lan truyền, đẩy ôxy ra ngoài hết, dễ gây ngạt. Hơn nữa trường hợp xảy ra hỏa hoạn, khí CO2 sinh ra trong phòng kín dễ làm cho nạn nhân ngạt thở trước khi chết vì cháy.

Sử dụng đúng cách, an toàn

ThS Trần Thắm cho biết, nhiều người thói quen sau khi nấu nướng xong không kháo van gas điều này khá nguy hiểm bởi khí luôn tràn trong dây dẫn, một thời gian dài hoặc qua một đêm dây dẫn bị chuột cắn, khí gas sẽ rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ gây hỏa hoạn khiến gia chủ không trở tay kịp. Ngoài ra, nên vệ sinh bếp và các thiết bị sử dụng gas thường xuyên. Nên thay bếp mới nếu bếp cũ bị rỉ sét, kém chất lượng. Thông thường nguyên nhân các vụ nổ khí gas xảy ra khi gas bị rò rỉ do vỏ bình thủng, van bị hở, dây dẫn bị chuột cắn...

Trừ bình gas minni, bình gas gia đình bằng thép hầu như rất an toàn, có thể chịu đựng được nhiệt độ và áp suất rất cao. Chính vì thế, nguyên nhân chính từ các vụ cháy nổ chủ yếu là do rò rỉ khí gas ở bên ngoài bình, từ van, ống dẫn đến thiết bị sử dụng. Hay gặp nhất là các trường hợp do gioăng của van không kín, không đảm bảo chất lượng hoặc bị lắp ẩu. Kế đến là các vụ rò khí gas do ống dẫn bị mòn, thủng hoặc chuột cắn đứt. Bản thân khí gas rò ra không sinh ra vụ nổ, nhưng khi bắt gặp tia lửa điện hoặc có nhiệt độ đủ đạt đến mức gây cháy, hỗn hợp khí gas sẽ bắt cháy, gây nổ mạnh, nguy hiểm cho con người.

Để tránh rò rỉ gas, khi chọn bình gas, nên chọn đại lý chính hãng, có tên tuổi. Bạn phải biết rõ cửa hàng gas nhà mình mua ở đâu, như thế nào, tránh trường hợp đó là sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu. Bằng cảm quan, bình phải còn nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt, không chóc, rỉ, rỗ. Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết bị có thể phát sinh tia lửa điện gần đó như nổ xe máy, đánh bật lửa.

“Hiện nhiều gia đình sử dụng bếp điện thay bếp gas vì chỉ số an toàn cao hơn. Với những gia đình có thiết kế nhà ống, hoặc nhà chung cư, việc sử dụng bếp điện sẽ phù hợp và an toàn hơn bếp gas”, TS Trần Văn Thịnh, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Bảo Khánh