Đề xuất xây sân bay ở vịnh Vân Phong đã được Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về tính hiệu quả khi du lịch ở Vân Phong ở trạng thái tiềm năng…
PV Tri thức và Cuộc sống có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp xung quanh việc Khánh Hòa vừa trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có đề xuất xây sân bay.
|
Khu kinh tế Vân Phong (Ảnh: Dân trí) |
- Khánh Hòa vừa đề xuất Khu kinh tế Vân Phong có sân bay khi trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, nhận định của ông về đề xuất này?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Đối với Khu kinh tế Vân Phong, ngày 16/6/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, Quốc hội quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong có xây dựng và kinh doanh sân bay.
Khánh Hòa đề xuất xây dựng sân bay vốn ngoài ngân sách tại Khu kinh tế Vân Phong cũng là hợp lý, bởi Quốc hội đã đồng ý.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Sân bay được đề xuất tại Khu kinh tế Vân Phong là sân bay du lịch, chứ không phải là sân bay thương mại lớn.
Ở Việt Nam có quá nhiều sân bay, nếu có sân bay du lịch đến Vân Phong để đưa du khách đến về lâu dài cũng là hợp lý.
Cùng với sân bay, sân golf, casino cũng được đề xuất ở KKT Vân Phong
Khánh Hòa sẽ quy hoạch phát triển Khu Kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; tổ chức không gian Khu Kinh tế Vân Phong thành 2 khu vực: Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong.
Khu vực Bắc Vân Phong sẽ phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang; hình thành khu mua sắm miễn thuế phục vụ du khách… Khu vực Nam Vân Phong sẽ trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm năng lượng, đóng tàu; công nghiệp chế biến, chế tạo; các ngành công nghiệp phụ trợ…
Không gian phát triển các khu chức năng trong Khu Kinh tế Vân Phong được điều chỉnh sắp xếp theo hướng các khu du lịch, dịch vụ du lịch… có diện tích đất khoảng 2.613 ha. Ngoài ra, còn có các khu công nghiệp gồm: Ninh Thủy 208 ha, Dốc Đá Trắng 288 ha, Ninh Diêm 290 ha; các khu chức năng phát triển công nghiệp sinh thái và công nghệ cao…
Về cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics có tổng diện tích khoảng 2.300 ha. Trong đó, khu Bắc Vân Phong khoảng 141 ha, khu Nam Vân Phong khoảng 661 ha; khu chức năng phát triển công nghiệp, hậu cần, logistics tại Ninh Phước khoảng 950 ha; cảng hàng không tại Vạn Thắng khoảng 550 ha...
- Vân Phong có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng hiện nay chưa thực sự là điểm đến hấp dẫn, việc xây dựng sân bay khiến nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Bản thân tôi không đồng ý việc ở đâu cũng sân bay, nhưng phải xem có hợp lý phù hợp hay không. Điều này cần Bộ GTVT nghiên cứu kỹ, không cẩn thận chúng ta lãng phí diện tích đất lớn, mà sân bay hoạt động lại không hiệu quả.
Tôi đồng tình việc thành lập sân bay, nhưng Chính phủ và Bộ GTVT phải xem lại diện tích sân bay sao cho phù hợp với thực tiễn của khu kinh tế Vân Phong và Khánh Hòa. Đất đai sản xuất của Việt Nam ngày càng hẹp, không đẻ ra được, mà càng mất đi do thành lập sân bay, khu công nghiệp, công trình giao thông…
Hiện Khánh Hòa chỉ có Nha Trang phát triển du lịch, còn Khu kinh tế Vân Phong 5 hoặc 10 năm nữa du lịch sẽ phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội, theo đề xuất của Chính phủ. Về lâu dài cũng nên cho phép xây dựng sân bay tại Khu kinh tế Vân Phong.
|
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. |
“Ông lớn” nào muốn đầu tư vào KKT Vân Phong?
Tháng 2/2023, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đề xuất đầu tư các dự án ưu tiên thu hút vào KKT Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty CP Stavian Hóa chất, Công ty Stavian Land, Công ty CP Trung Nam làm việc về các dự án hóa dầu, năng lượng, công nghiệp. Các Công ty CP Sonadezi, Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty CP SSI, Công ty CP Sinnec làm việc về dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp. Riêng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn làm việc về đầu tư xây dựng cảng biển.
Ngoài ra, tại khu vực Bắc Vân Phong, Ban Quản lý KTT Vân Phong làm việc với 5 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Novaland và Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Công ty CP FPT, Công ty CP Flamingo Holding Group về các dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch. Riêng Tập đoàn Sun Group sẽ làm việc liên quan đến các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển…
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Điều tôi băn khoăn là lượng du khách đến Vân Phong. Để Vân Phong phát triển thành khu du lịch cần phải có thời gian. Làm một sân bay, mà sau sử dụng không hiệu quả sẽ dẫn đến lãng phí đất và phí tiền.
Hiện, Khu kinh tế Vân Phong có nhiều chức năng. Chức năng chính là Cảng trung chuyển quốc tế và là nơi thương mại. Nếu kèm phát triển du lịch cũng được coi là lợi thế bởi bờ biển của mình tốt.
Vân Phong là một trung tâm phát triển về kinh tế lớn cho Việt Nam dựa trên cảng quốc tế kiểu như Thượng Hải. Nếu phát triển tốt có khả năng trở thành một trung tâm tài chính lớn nhất của Việt Nam bởi đây là Cảng biển lớn.
Nơi đây có tiềm năng trở thành cảng biển lớn bậc nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay, chưa thực sự có tổ chức nào có thể phát triển Vân Phong như thế. Cho nên 20 năm nay, Vân Phong vẫn tắc. Vân Phong không chỉ phát triển 5 hay 10 tỷ USD mà phải là 100 tỷ USD trong 5, 10 năm tới hay 1000 tỷ USD cho 20 hay 30 năm tới.
Nói như thế để thấy rằng, lợi ích kinh tế cho một sân bay với địa phương chỉ có tiềm năng có du lịch và muốn phát triển vẫn là hành trình dài phía trước.
Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành và Đại biểu Phạm Văn Hòa về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm