KINH TẾ

Đề xuất bãi bỏ cách tính cũ tỷ lệ nội địa hóa ô tô

  • Tác giả : Thúy Hằng
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đã trình văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất bãi bỏ Quyết định số 28 được ban hành năm 2004 về cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô.

VAMI cho biết trong khi các nước thuộc ASEAN đang tính tỷ lệ nội địa hóa dựa trên phần trăm về giá trị sản xuất nội địa, thì Việt Nam vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ này theo số lượng cụm chi tiết được sản xuất trong nước.

Phương pháp này chưa phản ánh đầy đủ về giá trị, hàm lượng công nghệ cùa các linh kiện trên ô tô trong tổng thành ô tô hoàn chỉnh.

Cụ thể, Việt Nam hiện sử dụng phương pháp tính theo cụm chi tiết được sản xuất nội địa. Tức là, mỗi cụm linh kiện, phụ tùng chính được áp một điểm số, rồi quy ra một tỷ lệ % nội địa hoá nhất định, mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện, phụ tùng đó.

Đây là các quy định được áp dụng từ cách đây gần 20 năm, theo Quyết định 28 của Bộ Khoa học & Công nghệ và các văn bản sửa đổi, bổ sung sau này.

Cách tính tỷ lệ nội địa hoá ôtô được các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và thế giới áp dụng hiện nay là dựa theo tỷ lệ phần trăm giá trị sản xuất trong nước.

Theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), ôtô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hoá nội khối từ 40% trở lên. Khi đó hàng hoá được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN theo cách tính tỷ lệ nội địa hoá nội khối.

Hiệp định này khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN. Vì Việt Nam vẫn chưa có cách tính tỷ lệ nội địa hóa phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực.

Việc vẫn áp dụng cách cũ, theo VAMI, đang khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn và bất lợi khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã về 0% từ 2018, theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).

Liên quan đến việc bãi bỏ quyết định, theo đại diện các bộ ngành, quyết định trên không nên bị bỏ hoàn toàn vì còn tồn tại một quy định sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Đại diện Bộ Công Thương cũng xác nhận cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo Quyết định số 28 hiện nay là chưa phù hợp và cần được bãi bỏ.

Tuy nhiên, trong Quyết định 28 còn tồn tại một quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu cần được giữ lại, bởi nó đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Thúy Hằng