Y học và đời sống

Dễ tử vong nếu nhiễm giun đầu gai

Giun đầu gai ký sinh trong người từ 10 – 12 năm, không chỉ tạo ra các khối u di chuyển ở da, não, gan, phổi… mà còn gây nhiều bệnh lý ở thần kinh trung ương, ở hệ tiêu hóa, tiết niệu… Khi ở hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong do giun đầu gai từ 8 – 25%, 1/3 số ca sống sót có di chứng kéo dài.

Nhiễm giun đầu gai vì rau và thủy sản chưa nấu chín

Bệnh giun đầu gai do ký sinh trùng Gnathostoma ký sinh ở người gây ra. Gnathostoma là một loại ký sinh trùng giun tròn gây bệnh theo 2 thể: Thể bệnh tại da niêm và thể bệnh tại các tạng, thường được gọi chung là bệnh giun đầu gai.

Ở người, đôi khi gọi là ban trườn, hội chứng ấu trùng di chuyển, phù Yangtze, Choko­Fuschu Tua chid và sưng phồng lan tỏa. Người bị nhiễm ấu trùng của giun này qua ăn uống các loại rau, thịt, cá nấu chưa chín, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ lươn, cá, ếch, nhái, tôm…

Khi nhiễm giun đầu gai bệnh nhân có thể gặp các hội chứng lâm sàng nguy hiểm như ấu trùng di chuyển đến não gây áp xe não, đến phổi gây áp xe phổi, khó thở, ho ra máu, đến da và mô mềm gây ngứa viêm da…

Bệnh có thể tồn tại 10 – 12 năm và có thể liên quan đến bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể. Sự xâm nhập một cách ngẫu nhiên vào hệ thần kinh trung ương là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong, dẫn đến số ca chết do bệnh này khoảng 8 – 25% hoặc có di chứng kéo dài khoảng 30% có liên quan đến hệ thần kinh.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/de-tu-vong-neu-nhiem-giun-dau-gai-11.jpg

Hình ảnh giun đầu gai.

Viêm ruột, mù mắt, liệt chi và tử vong

Biểu hiện của giun đầu gai rất đa dạng bởi chúng cư trú ở nhiều nơi và gây nên các triệu chứng lâm sàng ở đó. Các triệu chứng phụ thuộc vào từng vùng cơ thể mà ấu trùng di chuyển vào trong đó. Có thể cùng lúc một hay nhiều vùng liên quan đến.

Tại da và mô mềm: Người bệnh nổi mề đay mạn tính; Nổi u cục có kích thước to nhỏ không đều, phù ấn không lõm, có tính di chuyển (hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da và hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng); Có thể đau tại u cục hoặc sưng đau cơ; Áp xe dưới da do ấu trùng ký sinh gây bội nhiễm…

Tại hô hấp, giun gây đông đặc phổi hoặc xẹp phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, tràn dịch và khí màng phổi, người bệnh  ho, đau ngực, khó thở, ho ra máu, ho ra giun.

Hệ tiêu hóa: Ấu trùng thường ký sinh ở gan, người bệnh đau ở hạ sườn phải, vùng thượng vị, có khổi ở vùng hạ vị bên (P). Ở dạ dày gây đau dạ dày. Ấu trùng Có thể lạc đến xoang bụng tạo thành các khối u ở bụng, người bệnh có dấu hiệu giống như viêm ruột thừa, viêm túi mật hoặc giả khối tổn thương ở ruột.

Tại giác quan: Với thị giác gây viêm mạch màng nho, viêm mống mắt, xuất huyết nội nhãn, tăng nhãn áp, sẹo hoặc bóc tách võng mạc khiến mắt bị giảm thị lực, mù, đau mắt hoặc sợ ánh sáng. Với thính giác gây giảm sức nghe hoặc ù tai.

Đặc biệt, nguy hiểm khi giun gây bệnh tại hệ thần kinh trung ương: Viêm tủy rễ thần kinh (hay gặp nhất), viêm não – tủy – rễ thần kinh, viêm não – màng não. Tình trạng này có thể gây ra tương tự hoặc xuất huyết dưới màng nhện. Đau liên quan đến thần kinh, tiếp theo sau đó có thể liệt hoặc giảm cảm giác một vài ngày.

Sự di chuyển các dấu chứng và triệu chứng thần kinh định vị (ví dụ như liệt dây thần kinh sọ não, liệt chi, tiểu không tự chủ) khá điển hình. Người bệnh sốt, cứng cổ hoặc sợ ánh sáng, tăng áp lực sọ não… Đặc biệt, ấu trùng sẽ phá hủy cấu trúc khi chúng chết bên trong não hoặc mắt.

Phát hiện bệnh bằng cách: Soi trực tiếp tìm ấu trùng giun đầu gai ở các vết loét; bạch cầu ái toan tăng cao; elisa thử phản ứng huyết thanh chẩn đoán Gnathostoma có kết quả dương tính. Điều trị bằng thuốc đặc trị kết hợp phẫu thuật, chích ổ áp xe và lấy ấu trùng giun ra khỏi cơ thể.

Phòng bệnh: Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, không uống nước lã; Không ăn các thức ăn thủy sản, hải sản như lươn, cá, ếch, nhái, tôm… còn sống, ở trạng thái còn tái, chưa nấu chín kỹ; chế biến thịt lươn, cá, ếch, nhái, tôm… nên mang găng tay cao su bảo vệ, đề phòng ấu trùng giun đầu gai có thể chui xuyên qua da.

GS.TS Nguyễn Văn Đề

(trường Đại học Y Hà Nội)