Khoa học & Công nghệ

Đề phòng đèn sưởi nhà tắm phát nổ

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Để phòng tránh đèn sưởi nhà tắm phát nổ, cần thường xuyên kiểm tra các gioăng, khe, tránh để nước tiếp xúc trực tiếp và bảo hành thường xuyên…

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ tung tóe

Chị Hà Lan, 28 tuổi, ở thành phố Thái Nguyên, cho biết sự việc xảy ra vào tối ngày 14/11. Hôm đó se lạnh nên khi vào nhà tắm vệ sinh chuẩn bị đi ngủ, chị có bật đèn sưởi. Chỉ khoảng 5 phút sau, có tiếng tách tách rồi đèn toé lửa, nổ bụp một tiếng. Ngay lập tức chị chạy ra sập cầu dao. Quay lại chị thấy nhà tắm đỏ rực lửa, nghi ngút khói, sặc mùi nhựa cháy. Bố và chồng chị chạy vào dập lửa, bị mảnh nhựa bắn vào lưng, mặt khiến cả hai bị bỏng nhẹ. Chị Lan cho biết chiếc đèn sưởi này mua hai năm trước với giá khoảng 2 triệu, thuộc dòng tốt ở siêu thị điện máy, có bảo hành. Vì nhà có con nhỏ nên chị thường bật lên dùng khi tắm cho con trời se lạnh, mùa đông, hoặc khi các con đi bơi về.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, đèn sưởi nhà tắm là vật dụng ít được bảo trì bảo dưỡng. Sau một mùa hè nóng nực, đến khi trời lạnh, đa phần các gia đình bật đèn sưởi ngay mà không lưu ý đến việc bảo hành. Trong khi đó, chỉ cần ở các gioăng, khe để ngăn cách lớp kính với các bóng đèn bị hở, khi tắm, hơi nước sẽ lọt vào tạo ra chênh lệch nhiệt độ giữa bóng và môi trường là có thể xảy ra cháy nổ ngay. Độ ẩm trong nhà tắm luôn rất cao, khi đèn được đốt nóng nhanh, tạo ra áp lực, rất nguy hiểm. Đó là chưa kể đến trên thị trường có nhiều loại đèn sưởi giả, giá chỉ bằng 1/2 so với các đèn chính hãng, nên chất lượng thấp, dễ gây cháy nổ.

“Đèn sưởi bản chất vẫn là bóng đèn dây tóc, nhưng có công suất cao khoảng 500 W/bóng, nên nếu hàng giả, lớp thủy tinh không tốt, không đủ dày sẽ rất dễ nổ khi có chênh lệch nhiệt độ. Khi lắp đặt, nên lắp đèn sưởi chếch hẳn ra khỏi vị trí vòi tắm. Ví dụ, vòi hoa sen bên trái, nên để đèn sưởi sang bên phải, hạn chế nước bắn vào. Khoảng cách lắp đèn nên từ 1,8 đến 2m, sát với trần nhà, giảm tối đa việc hơi nước nhiều làm hỏng đèn”, KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.

Không dùng, nên tháo xuống bảo quản

KS Nguyễn Huy Bạo cho biết, việc bảo dưỡng sản phẩm là yếu tố quyết định để an toàn khi sử dụng. Vào mùa hè, nên tháo đèn ra, cất các bóng vào hộp, khi nào dùng mới lấy ra lắp lại. Trước khi vào mùa lạnh, phải lấy ra kiểm tra lại xem có hỏng hóc gì không. Thời tiết ẩm ở Việt Nam rất dễ làm các linh kiện bị sét gỉ, hỏng. Do đó, phải đảm bảo đèn hoạt động tốt thì mới sử dụng. Nhiều gia đình chủ quan, cứ lắp đèn sẵn đấy, đến mùa là bật lên dùng, rất nguy hiểm. Nếu đèn phát nổ vào đúng lúc có người đang tắm thì nguy cơ bỏng nặng là rất cao.

Đèn sưởi hiện nay thường sử dụng tia hồng ngoại. Do có công suất cao nên đèn có thể làm ấm phòng tắm tức thì chứ không phải chờ đợi. Vì vậy, người dùng chỉ cần bật đèn lúc tắm để không gây nguy hiểm lại tiết kiệm điện. Sau khi dùng, bạn nên tắt ngay, không bật đèn lâu để tránh cháy nổ. Ngoài ra, không nên bật đèn quá lâu. Sau khi bật đèn khoảng 45 phút mà muốn dùng tiếp, người dùng nên tắt khoảng 30 giây rồi bật lại. Lý do là bởi đèn sưởi có công suất và bức xạ nhiệt cao nên nếu dùng quá lâu có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Trong quá trình sử dụng, bụi bám khiến đèn sưởi giảm hiệu suất sưởi ấm hay gây tắc lỗ thông gió, làm hỏng quạt.  Để đảm bảo hiệu suất và tăng tuổi thọ của đèn, bạn nên vệ sinh 1 – 2 lần mỗi năm vào trước và sau khi sử dụng đèn. Tức khoảng cuối thu và cuối xuân. Sau khi tháo đèn, dùng vải ướt lau sạch toàn bộ bề mặt đèn và bóng đèn, sau đó lau lại bằng khăn khô. Tiếp đén, dùng khăn ẩm lau sạch bụi bẩn trên các cánh quạt rồi lau lại bằng khăn khô.

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, cần đặc biệt lưu ý không để nước bắn vào đèn sưởi. Được sản xuất theo công nghệ có tác dụng chống nước, chống giật tuy nhiên vẫn cần tuyệt đối nên tránh để nước bắn vào đèn sưởi. Thường xuyên kiểm tra dây, ổ điện tránh trong quá trình sử dụng bị chuột, gián cắn.

Bảo Khánh