Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh: QH. |
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới ghi nhận các ý kiến sâu sắc, toàn diện của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật. Cùng với đó các ý kiến cũng đề nghị bổ sung nhiều nội dung cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới điểm lại các nhóm nội dung các đại biểu Quốc hội đã nêu như: bổ sung quy định về xe hợp đồng, kinh tế chia sẻ, đường biên giới, vấn đề quy hoạch, kết nối, vốn đầu tư đường bộ, giải thích từ ngữ, xe điện chở khách du lịch, quy chuẩn tiêu chuẩn đường cao tốc, về đường thôn xóm, về biển báo, bổ sung điều cấm, về kinh doanh vận tải đường bộ, thẩm quyền đặt tên đường bộ, đường trên cao, đường ngầm, kết cấu hạ tầng đường bộ, phí sử dụng đường bộ trong nội đô, lắp đặt biển tuyên truyền quảng cáo, dữ liệu, trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí ngừng hoạt động, tổ chức giao thông, khai thác hạ tầng đường giao thông đường bộ, vận tải hàng hóa bằng động vật…
Nhấn mạnh, đây đều là các ý kiến trách nhiệm, trí tuệ, phong phú về thực tế và toàn diện về pháp luật và kĩ thuật lập pháp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu các ý kiến phát biểu và sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Làm rõ thêm ý kiến đại biểu về việc còn sự trùng lặp giữa Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết 2 luật này được tách ra từ Luật Giao thông Đường bộ.
Hai Luật có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết, không thể thiếu. Dù các cơ quan đã rà soát chặt chẽ, kỹ càng, có sự bóc tách hợp lý vừa đáp ứng yêu cầu về mặt pháp lý, nhưng vẫn có sự giao thoa tương đối như vấn đề tổ chức giao thông…
Do đó các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát theo nguyên tắc hợp lý tương đối và không mâu thuẫn nhau để quy định phạm vi điều chỉnh một cách hợp lý.