Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không phải cứ làm ra Luật Đấu thầu là sẽ khắc phục được tiêu cực, tham nhung. Yếu tố cuối cùng vẫn là con người và doanh nghiệp.
Hai luồng ý kiến khác nhau
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo đề xuất của Chính phủ, chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết).
Đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, có hai loại ý kiến ủng hộ và không ủng hộ phương án trên nên dự thảo thể hiện thêm phương án quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Nguồn: QH.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) không đồng tình với phương án 2. Ông cho rằng, cần xác định vốn, ngân sách của Nhà nước sử dụng trong dự án chiếm tỉ lệ bao nhiêu thì phải đấu thầu chứ không nên căn cứ vào doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm bao nhiều phần trăm vốn điều lệ. Có trường hợp DNNN chỉ góp chưa đến 50% vốn của dự án, số vốn ngoài ngân sách cao hơn thì nên để họ có quyền chủ động hình thức lựa chọn thầu. “Tôi nghĩ phương án 1 là phương án phù hợp”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đồng tình và cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý DNNN vì còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty con của DNNN. Bởi, nếu áp dụng có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, qua đó ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) lựa chọn phương án 2, nhưng theo ông, với DNNN nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống thì nên do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được.
Ông bày tỏ băn khoăn, đề nghị làm rõ trong trường hợp khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào.
Yếu tố con người, doanh nghiệp là quan trọng
Giơ biển tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Nguồn: QH.
Theo ông, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà còn rất nhiều yếu tố khác, còn thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi, nếu như không có tiêu cực.
Chúng ta cho là cứ quấn nhiều vòng dây vào thì sẽ tốt hơn. Tốt thì có thể là chúng ta bớt được chuyện tiền bạc, nhưng một doanh nghiệp làm ăn còn nhiều yếu tố khác, chứ không chỉ có vấn đề tiền bạc. Đại biểu nhất trí với phương án 1 là chúng ta chỉ quản lý đến doanh nghiệp nhà nước.
“Còn ai tham nhũng, tiêu cực thì đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, chúng ta cứ điều tra các dòng tiền, chúng ta có điều tra bằng những phương tiện khác và chúng ta trị, chứ không phải chỉ có dùng Luật Đấu thầu mà chúng ta khắc phục được tất cả tiêu cực và tham nhũng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.
Báo cáo giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây là một trong những luật khó. Bởi không chỉ trong quan điểm chính sách và trong cả kỹ thuật pháp lý, vừa phải giải quyết được những vấn đề vướng mắc phát sinh, phải tháo gỡ được trong quá trình thực hiện nhưng lại phải tạo được điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, vừa phải nâng cao được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
“Đâu là điểm cân bằng của 2 việc này là vấn đề rất khó. Nếu chúng ta quản lý chặt quá thì lại mất quyền tự chủ và lại gây khó khăn, lại ách tắc, lại sửa như nhiều lần chúng ta đã làm, sẽ xảy ra sự việc đó. Nếu chúng ta làm lỏng quá thì lại không đảm bảo được quản lý nhà nước, lâu nay nó như thế, cứ là một vòng luẩn quẩn”, ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đấu thầu có muôn hình muôn vạn, không có cách gì mà chúng ta có thể nghĩ ra được để kiểm soát được hết tất cả các loại.
Trong khi người ta dùng đủ mọi các mánh khóe, chiêu trò để "lạng lách", mình chỉ đi be đắp và bịt lại thì không thể một lúc mà nghĩ ra được hết tất cả, rất khó tìm được điểm cân bằng. Tuy nhiên, vẫn phải trên tinh thần cố gắng cao nhất.
Bộ trưởng xin được nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến xác đáng của các đại biểu hôm nay, cùng với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh luật này một cách tốt nhất trước khi trình ra Quốc hội.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) góp ý về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) Nguồn: THQH.