Bình luận

ĐB Quốc hội Lê Thanh Vân: Cần chọn bộ trưởng qua “thi tuyển”

  • Tác giả : Mai Loan (thực hiện)
(khoahocdoisong.vn) - Trao đổi bên lề Quốc hội, ĐB Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, cần chọn bộ trưởng qua “thi tuyển”. Theo đó, bộ trưởng phải là người thuyết phục được số đông về chương trình hành động của mình.
ĐB Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau).

ĐB Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau).

Đang có sự lẫn lộn giữa bộ trưởng và công chức hành chính

Có luồng ý kiến cho rằng, làm bộ trưởng rất khó, quan điểm của ông thế nào?

Nói “nghề” bộ trưởng khó là đúng bởi bộ trưởng là chính trị gia. Theo đó, là bộ trưởng phải đạt được 3 tiêu chí: Thứ nhất, phải là người khởi xướng chính sách. Thứ hai, thuyết phục chính sách. Và cuối cùng, khi chính sách được thông qua thì phải tổ chức thực thi chính sách bằng hệ thống công quyền của mình.

Chiếu theo tiêu chí đó, theo ông, các bộ trưởng hiện nay đã đáp ứng được hay chưa?

Dưới góc nhìn của một ĐB Quốc hội, tôi thấy đang có sự bố trí lẫn lộn vai giữa bộ trưởng và công chức hành chính, trong khi, chính trị gia và công chức hành chính không thể lẫn lộn. Từ đó, dẫn đến việc nhiều bộ trưởng chưa đáp ứng được những yêu cầu đối với một chính trị gia.

Cụ thể sự chưa đáp ứng ấy là gì, thưa ông?

Thứ nhất, nhiều bộ trưởng dựa vào bộ máy để lựa chọn các phương án chính sách, thay vì là người khởi xướng chính sách để bộ máy giúp việc hỗ trợ xây dựng chính sách. Bộ trưởng phải là người thuyết trình được trước cơ quan có thẩm quyền về các chính sách mà mình khởi xướng, nhưng trên thực tế, bộ trưởng lại không có một chương trình hành động nào thể hiện được năng lực khởi xướng chính sách của mình.

Thứ hai là khả năng quản xuyến bộ máy, năng lực điều hành hệ thống nhân sự. Hiện nay, bộ trưởng được pháp luật quy định có quyền lựa chọn nhân sự, nhưng thực tế lại không như vậy.

Ví dụ, bộ trưởng có quyền chọn được thứ trưởng không? Tôi tin là không. Có những bộ trưởng khôn khéo thì chọn được người cộng sự cho mình, nhưng có những bộ trưởng không chọn được. Một ê kíp hiểu theo nghĩa tích cực, đó là sự hoàn hảo trong nhóm cộng sự để thực hiện tốt mục tiêu đặt ra, đó là thực thi chính sách.

Thứ ba là khả năng tổng kết thực tiễn. Việc tổng kết thực tiễn phải là hoạt động thường xuyên, liên tục. Qua đó, xem xét vòng quay của chính sách và việc áp dụng trong thực tiễn có đúng đắn, phù hợp không, từ đó bổ sung, sửa đổi cho kịp. Nhưng xem ra năng lực này ở nhiều bộ trưởng không có.

Thứ tư là khả năng diễn thuyết. Từ các phiên chất vấn các kỳ của QH đủ thấy năng lực diễn thuyết của các bộ trưởng còn nhiều hạn chế. Có nhiều vị bộ trưởng còn bị các đại biểu QH  “quay” cho và không trả lời được.

Và cuối cùng là sự công tâm, khách quan trong khởi xướng, tổ chức thực thi chính sách và tổ chức nhân sự. Liệu các bộ trưởng đã thực sự công tâm chưa? Thực tế, đã có bộ trưởng phải rơi vào tù, do sử dụng quyền lực bộ trưởng để mưu cầu cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm.

Chưa có cơ chế chọn bộ trưởng phù hợp

Theo ông, nguyên nhân gốc rễ của những việc trên do đâu?

Tôi cho rằng, chúng ta chưa có một cơ chế, cách thức để chọn bộ trưởng phù hợp, việc phân vai lẫn lộn là do nhầm lẫn giữa một chính trị gia với một công chức hành chính.

Hiện nay, tuần tự, cứ làm tốt chuyên môn thì lên được làm lãnh đạo ở cấp phòng, sau đó, lên cấp vụ, cấp bộ. Trong khi đó, những người thuần thục về kỹ năng, am hiểu về chuyên môn có xu hướng chuyên nghiệp hóa quá trình làm việc. Khi được trao vai mới là chính trị gia, theo thói quen, họ không đáp ứng được sứ mệnh mới của mình là khởi xướng chinh sách.

Bởi, khởi xướng chính sách đòi hỏi tầm tư duy chiến lược, nhãn lực hơn người, biết nhìn xa trông rộng, tổng kết thực tiễn. Theo đó, biết cái nào cần ban hành, cái nào cần sửa đổi, cái nào cần thu hồi… Nhưng thói quen của một nhân viên hành chính thường chỉ nhìn mọi thứ theo kiểu sự vụ, sửa chữa cái nhỏ…

Vậy, theo ông, cần phải điều chỉnh thế nào?

Chúng ta phải coi đây là một lỗ hổng trong thể chế nhân sự để lấp đầy cho kịp. Đảng ta có những chủ trương rất đúng, như cơ chế lựa chọn nhân tài. Nhưng về mặt luật pháp, phải thể chế quy trình.

Ví dụ, là bộ trưởng bắt buộc phải có chương trình hành động. Điều này tôi đã góp ý nhiều lần nhưng chưa được tiếp thu.

Chương trình hành động đó phải được trình trước Chính phủ, Quốc hội, phải trở thành lời cam kết, và được Chính phủ, Quốc hội giám sát suốt cả nhiệm kỳ. Nếu như không thực hiện được thì coi như vi phạm, phải thay thế người khác.

Thứ hai, là cách thức lựa chọn bộ trưởng phải qua “thi tuyển”. Bộ trưởng sẽ phải trình bày chương trình hành động của mình và cạnh tranh với các ứng cử viên. 

Và một điều nữa, là chế định về quyền năng của bộ trưởng. Bộ trưởng phải có quyền ưu tiên trong việc chọn ra ê kíp phù hợp để vận hành chính sách, thực hiện tốt nhất mục tiêu đề ra.

Việc được chọn ê kíp liệu có dẫn tới việc lạm quyền, thưa ông?

Theo tôi thì không lo điều này, bởi chúng ta đã những “bộ khóa” chặt chẽ. Đó chính là việc họ đã có những cam kết về chương trình hành động của mình trước Chính phủ, Quốc hội. Để làm được điều đó, thì họ được trao quyền chọn ê kip. Nếu không thực hiện được, hay vi phạm thì sẽ có những chế tài xử lý nghiêm khắc. Nặng thì xử lý hình sự. Nhẹ thì cách chức. Đó là điều khoản của hợp đồng, như khế ước.

Nếu làm được như vậy, tôi tin sẽ chọn được bộ trưởng xuất sắc ngay.

Khó không phải ở ngồi “ghế nóng” mà ở tầm trí tuệ, đạo đức

Có ý kiến cho rằng, ai ngồi vào “ghế nóng” thì cũng sẽ chịu búa rìu dư luận, đó mới là cái khó nhất của làm bộ trưởng. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

Câu hỏi này làm tôi chợt nhớ đến câu nói của nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An trong bài phát biểu của ông trước Quốc hội: “Bộ trưởng là bậc anh tài, xuống Đông Đông cạn, sang Đoài Đoài tan”.

Tôi đồng tình với quan điểm này, bộ trưởng phải là bậc anh tài, thể hiện được tinh hoa, trí tuệ.

Đặc biệt, bộ trưởng phải là người có uy tín, là tấm gương thì mới thuyết phục được chính sách. Giả sử, một bộ trưởng mà lại dùng quyền của mình để trộm cắp của công, dùng thủ đoạn để chui sâu, leo cao, đẩy gạt người khác… thì khi phát động chính sách hay rao giảng đạo đức ai nghe? Lúc đó, chỉ có thể dùng quyền lực để đe dọa người khác, khi bị chống lại thì dùng thủ đoạn triệt hạ. Người như vậy, không thể là chính khách, trưởng ngành.

Vậy, làm bộ trưởng khó hay dễ? Theo tôi, cái khó ở đây chính là tầm trí tuệ, đạo đức, chứ không phải là ngồi “ghế nóng” hay không.

Khi xảy ra sự cố trong ngành, theo ông, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu? Thực tế, bất kỳ sự việc lớn, nhỏ gì xảy ra, dư luận đều “réo” tên bộ trưởng. Như vậy liệu có công bằng?

Như tôi đã nói, yêu cầu đặt ra đối với một chính khách trong vai bộ trưởng là khả năng khởi xướng chính sách, thuyết phục chính sách, vận hành chính sách. Có vị bộ trưởng ra tòa mếu máo nói rằng: “Bị cáo không biết”. Vậy nếu không biết thì làm bộ trưởng làm gì?

Điều này xuất phát một phần do yêu cầu đối với bộ trưởng đặt ra chưa đủ tầm. Quy định về nhiệm vụ quyền hạn, chức năng nhiệm vụ trong các bộ ngành chưa đến nơi đến chốn, chưa xứng tầm của một chính trị gia đứng đầu bộ ngành. Vì thế, cần xem xét lại thể chế, làm sao đảm bảo cho người đứng đầu bộ ngành đó phải thực sự là một chính khách.

Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm trong công tác nhân sự. Có những vụ đại án hoàn toàn có thể đưa ra xét xử về việc đã lộng hành trong bố trí nhân sự. Ví dụ, chỉ là nhân viên hành chính, là lái xe thôi, mà lại được “bế” vào làm chức cao thì làm sao biết chính sách, có đủ trí tuệ, tầm nhìn. Thay vào đó, sẽ chỉ là tham quyền cố vị rồi xây dựng chính sách theo kiểu phán bừa.

Bác Hồ nói, muôn sự thành bại là do cán bộ. Theo tôi, sự thất bại trong ngành phải xem xét đầu tiên là nhân sự.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Xuống Đông Đông cạn, sang Đoài Đoài tan…” là khả năng bình trị, dẹp “loạn”. Khi có “loạn” trong ngành của mình, bộ trưởng phải đặt câu hỏi vì sao lại vậy? Phải chăng do chính sách chưa đúng, phải chỉnh sửa thế nào? Các quan lại là các bậc anh tài xưa, việc đầu tiên khi họ được bổ nhiệm là thực hiện sửa sang chính sách cho phù hợp, đúng lòng dân, huy động được sức mạnh toàn dân”, đại biểu Lê Thanh Vân.

Mai Loan (thực hiện)