NHÌN THẲNG

Đầu tư 73 tỷ trùng tu, Điện Thoại Thánh có gì độc đáo?

  • Tác giả : Thanh Bình
Vào thời nhà Nguyễn còn thịnh trị, Điện Thoại Thánh từng là cung điện bề thế với diện tích lên đến nửa ha, gồm hàng chục công trình lớn nhỏ với một đội ngũ tùy tùng, binh lính bảo vệ đông đảo.

Điện Thoại Thánh là một di tích lịch sử gắn liền với thân thế của bà Hiếu Khang hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn, thân mẫu của Vua Gia Long, vị vua sáng lập triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Nơi an nghỉ của thân mẫu Vua Gia Long

Trên một cánh đồng gần lăng Vua Gia Long (xã Hương Thọ, thành phố Huế) có một gò đất lớn nổi lên với những bức tường bao cũ kỹ phủ đầy cây cỏ dại. Đó chính là Điện Thoại Thánh, khu cung điện Vua Gia Long xây dựng cho mẹ mình là bà Nguyễn Thị Hoàn (1736-1811), thụy hiệu Hiếu Khang hoàng hậu - vị hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Nguyễn.

Theo sử sách, Hiếu Khang hoàng hậu có tên thật là Nguyễn Thị Hoàn, người ở làng Minh Linh, phủ Thừa Thiên, con gái Diễn quốc công Nguyễn Phúc Trung, mẹ là Phùng phu nhân người ở làng An Du. Chị gái ruột của bà chính là phi tần của Nguyễn Phúc Luân - thân phụ của Vua Gia Long. Bà vào hầu thế tử Nguyễn Phúc Luân để học các phép tắc trong chốn khuê môn. Sau đó, bà sinh ra ba con trai và một con gái, trong đó người con thứ hai chính là Nguyễn Ánh - Gia Long.

Quá trình xây dựng sự nghiệp của Vua Gia Long có vai trò rất lớn của Hiếu Khang hoàng hậu. Bà đã ở bên Gia Long trên hành trình gian truân nhằm xoay trở tình hình thế cuộc, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của ông trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Sử nhà Nguyễn có ghi lại chuyện, khi Nguyễn Ánh – Gia Long đi thuyền đến đảo Côn Lôn (nay là Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu), gặp gió lớn, trôi dạt ở ngoài biển 7 ngày, trong thuyền hết nước uống thì bỗng có nước nhạt chảy ra, nhờ thế mới đỡ. Sau này gặp lại mẹ ở Phú Quốc, ông thuật lại tình trạng cay đắng của mình, thì bà nói: "Gió lớn ở đảo Côn Lôn, giữa biển có nước ngọt, có thể biết là lòng trời ngầm giúp cho con, con chớ nên lấy sự khó nhọc ấy mà tự nản chí". Gia Long nghe thế lạy tạ, và những lời của thân mẫu động viên ông rất nhiều trong việc thống nhất giang sơn sau này.

Sau khi mất, Hiếu Khang hoàng hậu được an táng tại lăng Thoại Thánh, một khu lăng mộ nằm trong trong quần thể lăng Gia Long. Điện Thoại Thánh được xây cạnh đó để làm nơi thờ tự bà.

Vào thời nhà Nguyễn còn thịnh trị, Điện Thoại Thánh từng là một cung điện bề thế với diện tích lên đến nửa ha, gồm hàng chục công trình lớn nhỏ với một đội ngũ tùy tùng, binh lính bảo vệ đông đảo.

Sau hơn 200 năm đầy biến động, những gì còn lại của cung điện này khiến người chứng kiến không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Hầu hết các công trình của cung điện đã bị phá hủy, chỉ còn sót lại những mảng tường đổ nát. Các lối đi, bậc cấp bằng đá bị chìm lấp dưới thảm cây cỏ dại dày đặc. Nhiều bức tường có nguy cơ sụp đổ vì sức nặng của những cây gỗ lớn mọc đè lên.

Cảnh tượng hoang phế ở Điện Thoại Thánh. Ảnh: Quốc Lê

Cảnh tượng hoang phế ở Điện Thoại Thánh. Ảnh: Quốc Lê

Trong những năm gần đây, nhiều công trình trong quần thể di tích lăng Vua Gia Long đã được đầu tư tu bổ, phục hồi. Điện Thoại Thánh cũng được xây lại phần tường bao và cổng. Tuy nhiên, phần còn lại của di tích này vẫn nằm trong tình trạng đổ nát, hoang phế.

Hồi sinh một di tích

Nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới, mới đây, HĐND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án Tu bổ, phục hồi thích nghi Điện Thoại Thánh với tổng kinh phí hơn 73 tỷ đồng.

Theo chủ trương đầu tư được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua, Điện Thoại Thánh sẽ được phục hồi phần nền móng công trình bằng gạch vồ, chân tảng cột đá Thanh, chống ẩm và chống mối nền, lắp đặt hệ thống chống mối, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng tráng men, bậc cấp lát đá Thanh và phục hồi rồng bậc cấp, tường xây gạch vồ trát vữa tam hợp, bả màu truyền thống.

Bên cạnh đó, sẽ phục hồi kết cấu bộ khung gồm tiền điện 5 gian 2 chái, chính điện 3 gian 2 chái kẹp, hệ kết cấu gỗ mái gồm đòn tay, rui, diềm, dũi, vân kiên, ván ốp, hệ liên ba, vách ván, dầm trần, sàn... và các cửa bao che bằng gỗ nhóm II. Các cấu kiện gỗ được chạm khắc hoa, sơn bảo quản, chống mối, sơn son thếp vàng và sơn quang. Mái lợp ngói âm dương tráng men màu vàng, phục hồi bờ mái, đầu hồi ô hộc khảm sành sứ, phục hồi các con giống bờ nóc bờ quyết, gia công máng xối bằng đồng....

Các công trình kiến trúc của Điện Thoại Thánh chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh: Quốc Lê

Các công trình kiến trúc của Điện Thoại Thánh chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh: Quốc Lê

Dự án cũng sẽ tu bổ lại Hữu Phối điện, Tả Phối điện, cổng tam quan, tường nội, bình phong, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật, phục hồi nội thất, tôn tạo cảnh quan, cây xanh xung quanh.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án trùng tu di tích Điện Thoại Thánh nhằm phục hồi, tu bổ một trong những công trình lăng mộ, thờ tự có ý nghĩa quan trọng trong Di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích lăng Vua Gia Long và tránh nguy cơ công trình sẽ trở thành phế tích trong tương lai. Đây là việc làm hết sức cần thiết.

Theo dự kiến, dự án trùng tu di tích Điện Thoại Thánh sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm.

Những lần Lăng Thoại Thánh được trùng tu

Vào năm 2023, dự án trùng tu di tích lăng Thoại Thánh - nơi chôn cất Hiếu Khang Hoàng Hậu Nguyễn Thị Hoàn - đã được thực hiện với tổng kinh phí 39 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.

Các hạng mục của lăng Thoại Thánh được trùng tu gồm hệ thống la thành, bình phong, hồ cảnh quan. Trong đợt trùng tu này, tường thành bao bọc khu vực tẩm điện, tức Điện Thoại Thánh, cũng được xây dựng lại.

Lăng Thoại Thánh được Vua Gia Long xây dựng năm 1811, nằm trong khuôn viên quần thể lăng nơi vua sẽ an nghỉ ở làng Định Môn, xã Hương Thọ, TP Huế. Lăng hình vuông, tường thành cao hơn 3 mét bao quanh thành nhiều lớp, trước cửa lăng có 4 sân tầng lát gạch.

Khu vực tẩm điện ở bên trái của lăng, hai bên có tả hữu phối điện, phía trước có nghi môn, xung quanh xây tường gạch, trên núi trồng thông. Đây là nơi đặt án thờ của Hiếu Khang Hoàng Hậu.

Thanh Bình