Dữ liệu y khoa

Đau lưng dai dẳng do viêm khớp cùng chậu

  • Tác giả : BSCKII Hà Tường
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người đau lưng dai dẳng đi khám chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng không thấy bị bệnh mà sao cứ đau mãi không hết. Họ không biết rằng nguyên nhân không phải do các bệnh lý cột sống mà còn do viêm khớp cùng chậu.

Viêm khớp cùng chậu là có thể gặp ở bất cứ ai nhưng thường gặp hơn ở người trưởng thành, nữ nhiều hơn nam. Đây là tình trạng viêm chỉ một khớp hoặc nhiều khớp giữa xương chậu và xương cột sống. Các khớp này ở phần dưới cột sống, nơi nối phần xương chậu, gần hông. Do đó, viêm khớp ở vị trí này có thể tác động đến lưng dưới, mông, hông, chân, bàn chân. Bệnh dễ nhầm với các bệnh khác như đau thắt lưng, đau dây thần kinh tọa...

Khi bị viêm khớp cùng chậu người bệnh sẽ thấy đau âm ỉ vùng cột sống thắt lưng, cơn đau sẽ lan dần xuống vùng giữa mông, đùi. Hơn nữa, đây là bệnh lý mạn tính, tiến triển từ từ, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sinh hoạt, làm việc của người bệnh.

Những người dễ mắc bệnh: Bệnh nhân bị viêm đại trực tràng, viêm đường tiết niệu, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, thời kỳ mang thai, sau sinh.

Nguyên nhân gây bệnh: Người ta chia viêm khớp cùng chậu ra thành viêm khớp cùng chậu vô khuẩn và hữu khuẩn, viêm khớp cùng chậu do cơ địa, di truyền và viêm viêm khớp cùng chậu do yếu tố chấn thương.

Triệu chứng của viêm khớp cùng chậu: Đau vùng thắt lưng thấp, vùng xương cùng giữa 2 mông, vùng chậu hông. Đau âm ỉ, kéo dài, đôi khi gây co cứng cơ khi ngồi lâu hoặc đi lại nhiều. Đau có thể lan xuống đùi, cẳng chân, đau tăng khi vận động nhiều. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có: Đau âm ỉ vùng bụng dưới (hạ vị), tiểu buốt, tiểu ra máu mủ, ra máu âm đạo bất thường... có thể có biểu hiện của viêm bàng quang, niệu đạo...

Điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh mà có cách điều trị phù hợp. Với viêm khớp cùng chậu mức độ nhẹ: có thể nghỉ ngơi, hạn chế vận động, khi đỡ đau tập các bài tập tránh co cơ. Mát xa tại chỗ, chườm ấm, lạnh xen kẽ, chiếu hồng ngoại, điều trị bằng siêu âm...

Mức độ nặng hơn: Dùng thuốc giảm đau chống viêm nhóm non-steroid, nhóm steroid, kháng sinh. Có thể tiêm phong bế tại khớp kết hợp thuốc chống viêm giảm đau. Đông y có một số bài thuốc điều trị viêm khớp cùng chậu gồm: Độc hoạt ký sinh thang, Đông y tứ diệu tán, Tả quy hoàn...

Phòng bệnh: Điều trị tích cực các nguyên nhân gây bệnh như viêm đại tràng, viêm tiết niệu, bàng quang, sinh dục; Vệ sinh tốt sau sinh đẻ, hành kinh...; Tăng cường thể trạng: ăn uống tập luyện khoa học...

BS Hà Tường (Bệnh viện Phòng không – Không quân)

BSCKII Hà Tường