Y học và đời sống

Đau khớp vai do lắng đọng tinh thể Hydroxyapatite

au khớp vai do lắng đọng tinh thể
đau khớp vai

Ảnh rminh họa

Bệnh lắng đọng tinh thể Hydroxyapatite (Hydroxyapatite deposition disease: HADD) là bệnh lý không rõ nguyên nhân, đặc trưng bởi tình trạng lắng đọng tinh thể Hydroxyapatite ở khớp và vùng quanh khớp trong đó khớp vai thường gặp nhất với biểu hiện điển hình là tình trạng viêm gân lắng đọng canxi.

Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ.

Bệnh HADD thường có biểu hiện đau tại chỗ, có thể có biểu hiện sưng nề và hạn chế vận động khớp ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên đôi khi không có triệu chứng rõ ràng.

Biểu hiện chủ yếu là viêm và đau khớp, một số trường hợp là nguyên nhân trực tiếp gây thoái hoá khớp.

Trong trường hợp tinh thể HA lắng đọng trong khớp, đặc biệt khớp vai dẫn đến tình trạng phá huỷ khớp gọi là hội chứng khớp vai Milwaukee.

Hình ảnh trên phim x quang thường là các đám lắng đọng canxi có dạng hình gần tròn hoặc oval với ranh giới rõ.

Hình ảnh thường gặp nhất là gân trên gai vùng vai và gần vị trí mấu động lớn hoặc có thể liên quan đến vị trí bám đầu dài gân nhị đầu ở bờ trên ổ chảo. Sự lắng đọng cũng có thể gặp ở gân cơ dưới vai và tròn bé.

Hiện nguyên nhân của bệnh không được biết rõ, tuy nhiên, yếu tố chấn thương lặp đi lặp lại được cho là có liên quan.

Một số tác giả khác cho rằng tổn thương mô thoái hoá và sự giảm cấp máu là yếu tố thuận lợi. Năm 1951 Pederson đưa ra giả thuyết rằng tình trạng hoại tử mô thoái hoá tại chỗ cùng với sự thay đổi pH dẫn đến tình trạng lắng đọng Hydroxyapatite bất thường.

Một số tác giả khác thì cho rằng nguyên nhân rối loạn chuyển hoá hoặc các bất thường về kháng nguyên…

Bệnh cần phải được chẩn đoán đúng  và cần phân biệt với các bệnh lý lắng đọng tinh thể khác như: Calcium pyrophosphate dehydrate (CPPD) hoặc các bệnh lý khác liên quan đến chuyển hoá canxi như suy cận giáp trạng hoặc cường cận giáp trạng, calcinosis, sarcoidosis,…

Ngoài ra có thể phải loại trừ các tổn thương như u sụn màng hoạt dịch, hoặc tổn thương bong sụn khớp.

Điều trị nội khoa với các thuốc giảm viêm chống đau như NSAIDs, các biện pháp vật lý trị liệu tại chỗ. Sử dụng tiêm corticoid cũng có thể có hiệu quả.

Phẫu thuật lấy bỏ khối canxi hoá cũng có thể được chỉ định trong 1 số trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa.

PGS.TS Trần Trung Dũng (Phó Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn)