Khoa học & Công nghệ

Dấu hiệu nhận biết thức ăn nên bỏ

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Sau Tết, thức ăn thừa còn nhiều. Có người tiếc của, để trong tủ lạnh để ăn dần với suy nghĩ, đã để trong tủ lạnh thì không hỏng.

Không ngon thì đừng ăn

Thực tế khá phổ biến là thức ăn thừa sau Tết trong mỗi gia đình luôn rất nhiều. Bỏ đi thì phí, nên nhiều người chọn cách tích trữ trong tủ lạnh ăn dần. Có gia đình thậm chí tích trữ bánh chưng cả tháng, thậm chí 2 tháng trong tủ lạnh rồi mới lấy ra ăn. Giò chả, nem, thịt, sườn… đều để hết vào tủ lạnh để ăn dần. Thậm chí là các loại quả, mứt, kẹo… vì mua quá nhiều không ăn hết cũng cho cả vào tủ lạnh tích trữ ăn dần. Khi nào thì không nên ăn các loại thực phẩm này nữa?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, khi thực phẩm bị nấm mốc, ngửi không còn ngon, màu sắc thay đổi…là những dấu hiệu cảnh báo thức ăn thừa đã bị hư hỏng cần ném bỏ. Bởi không giống như thực phẩm đóng gói sẵn có “hạn sử dụng tốt nhất" và "ngày bán", nhiều người không xác định liệu thức ăn thừa ở nhà mình có còn tốt để ăn hay không. Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết là nấm mốc và thức ăn đã đổi màu. Bánh chưng đã mốc thì hãy bỏ đi. Kiểm tra thật cẩn thận xem liệu thịt có chuyển sang màu xám hoặc rau diếp xanh đã chuyển sang màu nâu. Nếu thực phẩm không còn giống màu phải có của nó thì có lẽ không an toàn khi ăn.

“Nếu mở tủ lạnh mà thấy mùi thức ăn ôi thiu xộc ra thì hãy dọn dẹp ngay tủ, vứt bỏ đồ ăn thừa. Một khi thực phẩm có mùi hôi hoặc thậm chí mùi hơi khác là đã không còn đủ tươi để ăn. Nếu vẫn còn tốt, thức ăn thừa sẽ có mùi giống như khi mới nấu. Đặc biệt, nếu món ăn có vẻ chảy nhớt hoặc có sự thay đổi mạnh mẽ về kết cấu, thì nhiều khả năng là nó đã bị ôi. Hãy nhớ, nếu sử dụng thức ăn thừa không được bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu người dùng sẽ có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đồ ăn phải mang đến dinh dưỡng và cảm giác ngon miệng. Đừng ăn vì thấy tiếc. Nếu không ngon, hãy mạnh dạn vứt bỏ đồ ăn, đừng rước bệnh vì suy nghĩ “bỏ thì tiếc”.

Quy tắc 7 ngày

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, có một nguyên tắc về cất trữ thực phẩm sau khi đã mở hộp, sử dụng, chế biến thừa là không cất giữ quá 7 ngày. Không nên để bất cứ đồ ăn thừa nào trong tủ lạnh quá thời gian này. Nhưng một số thực phẩm thậm chí nên được vứt bỏ trước thời hạn bảy ngày này như rau tươi, thịt tươi sống. Thực phẩm khi đã chế biến như giò, chả, nem… rất nhanh hỏng nếu chỉ bảo quản ở nhiệt độ mát của tủ lạnh. Nếu cần bảo quản lâu hơn, cần phải cho vào ngăn cấp đông để thực phẩm không bị phân hủy.

Khi ăn thực phẩm mà có cảm giác đau bụng, rối loạn tiêu hóa là do sự phát triển của vi khuẩn đã khiến cho thực phẩm đã bị lên men ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. Không bao giờ sử dụng những loại thực phẩm dễ bị hư hỏng để ở nhiệt độ phòng bình thường hơn 2 giờ thì sẽ tránh được nguy cơ này.

TS Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia về công nghệ nhiệt lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, do cơ chế hoạt động của từng loại tủ, mà khí lạnh tỏa ra ở mỗi ngăn là khác nhau. Muốn tích trữ thực phẩm trong tủ đúng cách thì phải để thực phẩm đúng các vị trí phù hợp với nhiệt độ. Ở ngăn mát, ngăn dưới cùng sẽ là nơi lạnh nhất, thích hợp để đặt khay rau, trái cây hoặc các loại củ. Để các loại thực phẩm như sữa, nước đóng hộp, thực phẩm đóng hộp, các hộp đựng thức ăn còn thừa… lên các ngăn trên cùng là nơi có nhiệt độ cao hơn.

Khi để thực phẩm trong tủ lạnh nên bao bọc kỹ, tránh tình trạng để vi khuẩn lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm. Hầu hết các loại rau cần được giữ khô ráo khi để trong tủ lạnh để tránh độ ẩm, đẩy nhanh quá trình hư hỏng.

Theo các chuyên gia, khi bảo quản đồ còn lại sau mỗi bữa ăn, bạn nên cho chúng vào hộp nhựa có nắp đậy. Bạn cũng có thể dùng màng bọc để làm kín thực phẩm. Điều này sẽ ngăn khí trong tủ bám vào thức ăn, khiến chúng biến chất và gây hại đến sức khỏe.    

Bảo Khánh