Không phải tất cả khối u đều là ung thư
Các bác sĩ Khoa Phẫu trị - Xạ trị & Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, ung thư là một nhóm bệnh liên quan đến việc tăng sinh tế bào một cách mất kiểm soát và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến những bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Để dễ hiểu hơn thì cơ thể bạn được cấu tạo từ hàng nghìn tỷ tế bào mà trong suốt cuộc đời của bạn thường phát triển và phân chia khi cần thiết. Khi các tế bào bất thường hoặc già đi, chúng thường chết theo quy trình. Ung thư bắt đầu khi có sự bất ổn trong quá trình này khiến cơ thể bạn tiếp tục tạo ra các tế bào mới và những tế bào cũ hoặc bất thường không chết đi.
Không phải tất cả khối u đều là ung thư, có một số khối u thuộc vào nhóm lành tính (tức khối u không xâm lấn, di căn đến các bộ phận khác của cơ thể). Đối với khối u ác tính, các tế bào ung thư có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể và kết thúc tại các hạch bạch huyết hoặc cơ quan khác gây nên các triệu chứng bất thường.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư - Ảnh BVCC |
Nguyên nhân gây bệnh ung thư là gì?
Đa số các bệnh ung thư, khoảng 90- 95% các trường hợp là do các đột biến gen do các yếu tố môi trường và lối sống. Khoảng 5- 10% liên quan đến yếu tố di truyền.
Cụ thể hơn có 4 nhóm nguyên nhân chính đó là:
1. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Hút thuốc lá, không bảo vệ da, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, sử dụng nhiều đồ uống có cồn.
2. Ảnh hưởng bởi hóa chất, phóng xạ trong môi trường sống: Arsenic, Formaldehyd, Nicotin, BPA, khí thải diesel, tia X.
3. Ung thư mắc phải do các loại virus, vi khuẩn gây bệnh: HBV, HCV (gây bệnh viêm gan B, C), HPV (gây bệnh ung thư cổ tử cung), EBV (gây bệnh ung thư vùng hầu, họng), H.Pylori (Vi khuẩn liên quan đến ung thư dạ dày)
4. Gen di truyền : Một số loại ung thư liên quan đến các đột biến gen di truyền như gen BRCA1, BRCA2 trong ung thư vú và ung thư buồng trứng…
Ung thư thường phát triển một cách âm thầm một thời gian trước khi gây ra các triệu chứng lâm sàng để có thể phát hiện được.
Đôi khi ung thư không gây các triệu chứng lâm sàng mà chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám định kỳ, bên cạnh đó khi ung thư gây ra các biểu hiện lâm sàng thì các biểu hiện thường đa dạng, mơ hồ dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các bệnh lành tính thông thường khác.
Do đó việc phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo giúp phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm và điều trị có hiệu quả.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm:
1. Mệt mỏi, suy nhược kéo dài ngay cả khi nghỉ ngơi
2. Sụt cân > 5kg/tháng mà không rõ nguyên nhân
3. Các vấn đề ăn uống như chán ăn, nuốt khó, đau bụng, chướng hơi, buồn nôn hay nôn.
4. Sưng hoặc nổi cục bất thường trên cơ thể.
5. Biến đổi bất thường ở vú như nổi u cục, chảy dịch bất thường núm vú, có vệt đỏ hoặc dày lên…
6. Đau không rõ lý do, đau tiến triển ngày một nặng lên (đau nhức xương, đau đầu)
7. Thay đổi bất thường ở da như xuất hiện những đốm bất thường về hình dáng, kích thước, màu sắc…
8. Ho dai dẳng hoặc khàn giọng kéo dài
9. Chảy máu hoặc bầm tím không rõ lý do
10. Thay đổi thói quen vệ sinh như táo bón, tiêu chảy, đi cầu ra máu…
11. Đi tiểu bất thường, đau khi đi tiểu, tiểu ra máu
12. Sốt không đáp ứng điều trị thông thường
13. Các vấn đề về thị giác, hoặc thính giác
14. Mảng trắng, đỏ ở miệng, vết loét, chảy máu lâu khỏi