Y học và đời sống

Đau bụng, đái máu...phát hiện dị dạng động tĩnh mạch thận hiếm gặp

  • Tác giả : Thúy Nga
Dị dạng động tĩnh mạch thận hiếm gặp chiếm 0,04% dân số, giai đoạn đầu khó phát hiện qua siêu âm nên bệnh thường chẩn đoán muộn, phải phẫu thuật cắt thận bán phần hoặc cắt thận toàn bộ. 

Ngày 16/1, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, bệnh viện mới can thiệp nút mạch thành công cho nam bệnh nhân bị dị dạng động tĩnh mạch thận hiếm gặp.

Biến chứng vỡ mạch, nguy cơ chảy máu, đe dọa tính mạng người bệnh

Bệnh nhân N.V.M 45 tuổi, thôn 9 Xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Trước khi vào viện khoảng 3 ngày xuất hiện tình trạng đái ra dịch đỏ như máu, kèm theo đau bụng âm ỉ nửa bụng phải, lan ra sau lưng, đã điều trị tại TTYT tuyến huyện 1 ngày không đỡ được chuyển lên Bệnh viện Bãi Cháy điều trị tiếp.

Qua siêu âm, MRI tại Bệnh viện Bãi Cháy cho thấy: Hình ảnh giãn nhẹ đài bể thận - niệu quản phải. Sỏi thận trái; hình ảnh đám dị dạng động-tĩnh mạch thận phải và chảy máu trong nhu mô thận phải. Tiền liệt tuyến tăng kích thước, máu cục trong bàng quang. Các bác sĩ chẩn đoán: Tiểu máu do dị dạng mạch thận phải/phì đại tiền liệt tuyến.

Bác sĩ CKI Lê Tiến Hưng, Trưởng Đơn nguyên Điện quang -Can thiệp, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp đang tiến hành can thiệp nút mạch cho bệnh nhân.

Bác sĩ CKI Lê Tiến Hưng, Trưởng Đơn nguyên Điện quang -Can thiệp, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp đang tiến hành can thiệp nút mạch cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được các bác sĩ hội chẩn liên khoa và đánh giá dị dạng động tĩnh mạch thận phải vỡ gây chảy máu kéo dài và tái phát, các bác sĩ quyết định can thiệp nút mạch điều trị khối dị dạng thông động tĩnh mạch thận để tránh biến chứng vỡ mạch khó lường, nguy cơ chảy máu, đe dọa tính mạng người bệnh.

Kíp can thiệp do bác sĩ CKI Lê Tiến Hưng, Trưởng Đơn nguyên Điện quang can thiệp, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp thực hiện. Các bác sĩ đã thực hiện can thiệp nút tắc ổ dị dạng thông động - tĩnh mạch bằng keo sinh học, ca can thiệp diễn ra thuận lợi, bệnh nhân tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp, không đau đớn. Ngay sau can thiệp bệnh nhân hết tình trạng chảy máu, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể xuất viện.

Dị dạng động tĩnh mạch thận hiếm gặp trước và sau can thiệp - Ảnh BVCC

Dị dạng động tĩnh mạch thận hiếm gặp trước và sau can thiệp - Ảnh BVCC

Nút mạch tránh cắt bỏ thận

Theo BSCKII Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy: Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) thận là sự lưu thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch mà không qua đường mao mạch.

Nguyên nhân gây dị dạng có thể do bẩm sinh cũng có thể do mắc phải do các chấn thương thận hoặc sau can thiệp vào thận. Đây là tổn thương hiếm gặp chiếm 0,04% dân số, giai đoạn đầu khó phát hiện qua siêu âm nên bệnh thường chẩn đoán muộn, nhờ sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nên có thể phát hiện sớm dị dạng này.

Bác sĩ CKII Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy khám lại cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Bác sĩ CKII Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy khám lại cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Cũng theo bác sĩ Hiệp: Nếu trước kia Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) thận thường phải phẫu thuật cắt thận bán phần hoặc cắt thận toàn bộ, thời gian hậu phẫu kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.

Hiện nay với sự tiến bộ trong kỹ thuật can thiệp mạch, sự sẵn có của các vật liệu nút mạch đã cho phép có thêm sự lựa chọn điều trị an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân.

Triệu chứng bệnh dị dạng động tĩnh mạch thận chủ yếu là tiểu ra máu đỏ tươi toàn bãi, có thể đau thắt lưng cùng bên do cục máu đông tắc nghẽn trong đường bài xuất. Tiểu máu nhiều, kéo dài gây thiếu máu có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng: tiểu ra máu, đau thắt lưng… nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thúy Nga