Theo dược tính hiện đại, quả đậu bắp có chứa nhiều pectin, chất nhầy, protein, chất béo, chất xơ, Ca, P, Fe, Mg, K, Na và các loại vitamin đều là dưỡng chất có lợi cho nhiều lứa tuổi. Đậu bắp chứa nhiều chất xơ thực vật là chất rất có lợi cho những người mập, thừa cân, hay táo bón, viêm ruột kết.
Đậu bắp có chứa polysacarit như collagen giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể và duy trì sức khỏe, sự hoạt động ổn định của các khớp. Chính nhờ chất nhớt bôi trơn trong đậu bắp mà nó thúc đẩy nhu động của đường tiêu hóa, cung cấp chất dinh dưỡng cho các vi khuẩn sinh học trong dạ dày. Các nghiên cứu chỉ ra, nếu ăn thường xuyên đậu bắp, cơ thể sẽ nhận được nhiều tác dụng đối với những người bị viêm dạ dày, đường ruột, loét dạ dày, các bệnh đường tiêu hóa và các bệnh liên quan đến viêm khớp. Chất polysacarit có thể hấp thụ một số cholesterol xấu, do đó làm giảm hàm lượng cholesterol, giảm mỡ máu, bảo vệ tim mạch.
Trẻ em hoặc người lớn rất hay bị táo bón trong khi đó, đậu bắp chứa một chất được gọi là pectin, là chất xơ hòa tan có thể giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ thức ăn hiệu quả, từ đó ngăn ngừa táo bón. Đậu bắp cũng giúp tăng cường độ đàn hồi cho làn da, do đó những người ăn đậu bắp thường xuyên đều có làn da đẹp, căng mịn.
Đậu bắp không chỉ là một loại rau được người dân dùng luộc, xào, nướng, nấu canh chua ăn ngon mát mà còn được dùng để điều trị táo bón, tiểu đường, bệnh gút, thống phong, viêm tiết niệu… Để chữa đái tháo đường người ta lấy đậu bắp non hấp cơm hoặc luộc chấm mắm ăn thường xuyên. Chữa tiểu đục lấy cây tươi 100 - 150g sắc nước uống thường xuyên. Chữa táo bón người ta lấy đậu bắp thái lát phối hợp rau đay nấu canh cua ăn thường xuyên. Trẻ em hay ra mồ hôi lấy hạt đậu bắp già sao vàng sắc nước uống.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đậu bắp có tính hàn (lạnh), người nào có cơ thể suy nhược, thường xuyên đau bụng đi ngoài thì chú ý, chỉ nên ăn vừa phải, không nên ăn nhiều cùng lúc.
BS Nguyễn Phan Trúc Nguyên (Vũng Tàu)