Khoa học & Công nghệ

Dấu ấn khoa học công nghệ 2018

  • Tác giả : Nhóm PV
(khoahocdoisong.vn) - Các nhà khoa học Việt kiều bàn về Công nghiệp 4.0, tăng hai bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu… là những tín hiệu vui của ngành KH&CN trong năm 2018.

100 nhà khoa học Việt kiều bàn về CMCN 4.0

Từ 18 - 24/8/2018, 100 trí thức người Việt ở nước ngoài được Bộ KH&ĐT mời về nước để trao đổi, kết nối, chia sẻ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy CMCN 4.0 ở Việt Nam.

Đây đều là những trí thức được đào tạo bài bản, có những công trình và đóng góp được thế giới ghi nhận. Trong dòng sự kiện, Hội nghị Diên hồng về Trí tuệ nhân tạo (AI Việt Nam) cũng được Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) chủ trì tổ chức ngày 21/8. Hội thảo AI Việt Nam 2018 có 2 báo cáo đề dẫn và thu hút gần 100 chuyên gia trong và ngoài nước là các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý có tâm huyết trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại Việt Nam.

Các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài được mời tham dự như TS Lê Viết Quốc, Google Brain, Mỹ; GS.TS Vũ Hà Văn, Đại học Tổng hợp Yale, Mỹ; TS Bùi Hải Hưng, Mỹ; TS Vũ Duy Thức, Mỹ; TS Đào Ngọc Thành, CEO & FOUNDER của Bap-Blockchain; ông Lê Minh Toàn, Công ty Bap-Blockchain, Nhật Bản; ông Trần Đặng Minh Trí, Tập đoàn Ramsay Health Care, Úc; TS Đỗ Bình Minh, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ; PGS.TS Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản...

Hội thảo AI Việt Nam 2018 có 2 báo cáo đề dẫn và thu hút gần 100 chuyên gia trong và ngoài nước là các nhà khoa học.

Hội thảo AI Việt Nam 2018 có 2 báo cáo đề dẫn và thu hút gần 100 chuyên gia trong và ngoài nước là các nhà khoa học.

Tăng hai bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Ngày 10/7, tại New York, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018. Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng hai bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng.

Theo báo cáo vừa được tổ chức WIPO công bố, chỉ số GII năm 2018 của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng hai bậc, lên vị trí 45 trên 126 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng. Thứ hạng này đã cải thiện 14 bậc so với xếp hạng năm 2016.

Đáng kể nhất là chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13, chỉ số chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng 4 bậc lên thứ 48; chỉ số hợp tác đại học và doanh nghiệp tăng 17 bậc lên thứ 59. Đây đều là những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển dựa trên hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và đổi mới sáng tạo.

Năm 2018, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng hai bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng.

Năm 2018, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng hai bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng.

Công nhận sâm Ngọc Linh là Quốc bảo

Ngày 5/9/2018, Bộ KH&CN tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng “Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh” tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh là bước đi mới nhằm tập trung đẩy mạnh việc đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển cho sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu quý và đặc hữu, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh.

Phát biểu tại lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung tâm phải bảo vệ nguồn gene, phát triển  sâm Ngọc Linh tương xứng với thế mạnh tự nhiên và tiềm năng sẵn có của Quảng Nam, Kon Tum; nghiên cứu hướng vào phân biệt sâm giả, sâm thật. Thủ tướng  nêu rõ, sâm Ngọc Linh là Quốc bảo của Việt Nam, thông qua Sâm Ngọc Linh, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nâng cao giá trị chữa bệnh và các giá trị khác để hàng triệu người có thể sử dụng.

“Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh” tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

“Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh” tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Tôn vinh doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu

Ngày 4/10/2018, sự kiện TechDemo được khai mạc. Đây cũng là hoạt động thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. TechDemo 2018 tập trung vào các hoạt động nổi bật gồm: Tôn vinh doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu; khai trương điểm kết nối cung - cầu công nghệ Cần Thơ; tổ chức chuỗi hội thảo quốc tế, diễn đàn, tọa đàm chuyên đề giải quyết bài toán về công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng mới, nâng cao giá trị phụ phẩm tôm Việt Nam, truyền thông để thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; tư vấn kỹ thuật, tư vấn cải tiến công nghệ trực tiếp cho doanh nghiệp có nhu cầu; trưng bày, giới thiệu các công nghệ đã sẵn sàng chuyển giao phù hợp với khu vực phía Nam. Trong sự kiện, đã có 14 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết với giá trị 240 tỷ đồng được ký kết.

Việt Nam lần đầu phát hiện xương người tiền sử ở hang núi lửa

Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã công bố phát hiện mới về di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

Trong các hang động núi lửa các nhà khoa học đã tìm thấy các mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể... đặc biệt, các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất 3 di cốt người. Việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa ở Tây Nguyên là một bước ngoặt của ngành cổ nhân học nước ta, một thành tựu lớn của các nhà khoa học Việt Nam trong việc tìm hiểu và vén bức màn bí ẩn về cuộc sống của người tiền sử trên vùng đất bazan cổ xưa.

Ngoài  ra, việc phát hiện di cốt người cổ ở Tây Nguyên trong hang núi lửa có một ý nghĩa vô cùng to lớn và gây nhiều bất ngờ bởi trên thế giới, có dạng hang động này, nhưng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ tại hang núi lửa.

Tự chế tạo tàu mini không người lái

Xuất phát từ những khó khăn trong khảo sát, đo số liệu trong ngành bản đồ khi cán bộ phải trực tiếp đến những vùng nước nguy hiểm, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thiết kế, chế tạo tàu tự hành để thay con người đo số liệu. Tàu được thiết kế chạy tự động, không cần người lái. Vỏ tàu làm bằng nhựa composite. Trong thân tàu được gắn phần mềm ghi dữ liệu, camera trực tuyến, máy định vị vệ tinh, ăngten và một thiết bị đo sâu hồi âm. Một máy tính nhỏ như điện thoại cũng được gắn ở trong để lưu số liệu và gửi về hệ thống qua tín hiệu radio.

Khác với các con tàu đo số liệu biển, chỉ đo được ở khu vực nước sâu và cán bộ đo trên tàu đó đôi khi gặp nguy hiểm do gặp bão hoặc các vấn đề an ninh. Chiếc tàu này có thể đo sâu được 1.000m nhưng cũng có thể chạy được ở vùng nước nông do mức mớm nước rất thấp mà không cần người lái. Đối với khu vực ven bờ, vùng đá, san hô con người không thể tiếp cận thì tàu vẫn đến và đo được số liệu. Tàu có tải trọng 60kg, được gắn hai bình ắc quy nên có thể đo trong thời gian 8 - 10 tiếng.

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thiết kế, chế tạo tàu tự hành để thay con người đo số liệu.

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thiết kế, chế tạo tàu tự hành để thay con người đo số liệu.

Vinh danh 73 công trình, giải pháp sáng tạo KH&CN

Sáng 30/8/2018 tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan tổ chức lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018. Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018 giới thiệu 73 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ. Đó là những công trình tiêu biểu, có giá trị hỗ trợ cộng đồng nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, bảo đảm môi trường... được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai khoáng, quốc phòng, y tế... Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam nhằm tôn vinh, cổ vũ các sáng kiến, sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, trí tuệ của người Việt Nam thi đua sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam đảm nhận vị trí CEOS

Ngày 18/10/2018 tại Brussels (Bỉ), Việt Nam đã chính thức đón nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh Quan sát Trái Đất 2019 – CEOS. CEOS được thành lập vào tháng 9/1984, với nhiệm vụ đảm bảo sự kết nối chặt chẽ hợp tác quốc tế các chương trình quan sát Trái đất không gian dân dụng và khuyến khích trao đổi dữ liệu vệ tinh nhằm tối ưu hóa lợi ích xã hội, hỗ trợ cho các quyết định để đảm bảo một tương lai bền vững và thịnh vượng cho nhân loại. Hiện CEOS có 34 thành viên.

Từ năm 2013, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CEOS. Đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh Quan sát Trái đất 2019, Việt Nam sẽ thực hiện hàng loạt nhiệm vụ như giữ vai trò trung tâm trong việc điều phối chiến lược các nhiệm vụ hiện tại và tương lai của các cơ quan thành viên CEOS, tiếp tục hỗ trợ Nhóm quan sát Trái đất (Group on Earth Observations - GEO)...

Nhóm PV