Y học và đời sống

Đặt stent graft hiệu quả vượt trội trong điều trị bệnh lý động mạch chủ

  • Tác giả : Thúy Nga
Kỹ thuật đặt stent graft được coi là một bước đột phá của nền y học hiện đại, giúp đem lại những hiệu quả vượt trội so với các phương pháp phẫu thuật truyền thống để điều trị bệnh lý động mạch chủ.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết đặt stent graft là thủ thuật xâm lấn tối thiểu được áp dụng trong điều trị bệnh lý động mạch chủ bao gồm: phình động mạch chủ, loét xuyên thành động mạch chủ, tụ máu trong thành động mạch chủ và tách thành động mạch chủ.

Stent graft là gì?

Hệ thống stent graft gồm ba phần chính là hệ thống dẫn đường, phần thân chính và phần mở rộng. Phần stent graft được cấu tạo bởi một khung kim loại nhớ hình và bên ngoài được bọc bởi màng bọc polymer, nó được thu gọn và đưa vào hệ thống dẫn đường giúp dễ dàng đưa vào mạch máu, phần mở rộng của thiết bị sẽ giúp cố định stent và thu mở stent trong quá trình can thiệp.

Sau khi đưa đến vị trí động mạch bị tổn thương, stent graft sẽ được mở ra theo đúng kích thước ban đầu của nó, đầu gần và đầu xa sẽ được cố định chắc chắn, ôm sát và bịt kín vào thành mạch khiến dòng máu chỉ đi qua lòng stent và không đi qua được túi phình hoặc đoạn động mạch bị lóc tách làm giảm áp lực của dòng máu lên vị trí động mạch bị tổn thương.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu từ tim đến các cơ quan khác để nuôi cơ thể. Khi động mạch chủ bị phình hoặc bóc tách, dưới áp lực của dòng máu có thể có nguy cơ rò vỡ gây tử vong hoặc lóc tách lan rộng đến các nhánh của động mạch chủ sẽ làm giảm tưới máu tạng và các cơ quan quan trọng khác.

Stent graft có tác dụng làm giảm nguy cơ vỡ động mạch phình, giải quyết các đoạn động mạch bị bóc tách, đồng thời giúp điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch, giảm áp lực lên thành mạch máu, giải quyết hết nguy cơ phình vỡ hoặc bóc tách tiếp diễn.

Các trường hợp được chỉ định đặt stent graft

- Phình động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng.

- Tách thành động mạch chủ type B.

- Huyết khối trong thành động mạch chủ type B có biến chứng vỡ, doạ vỡ, thiếu máu tạng.

- Loét xuyên thành động mạch chủ type B có biến chứng vỡ, doạ vỡ, thiếu máu tạng.

- Chấn thương động mạch chủ.

Ekip đặt stent graft cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ - Ảnh BVCC

Ekip đặt stent graft cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ - Ảnh BVCC

Kỹ thuật đặt stent graft được thực hiện như thế nào?

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ mở đường vào động mạch đùi, dưới dưỡng dẫn của máy chụp mạch số hoá xoá nền, stent sẽ được đưa vào đúng vị trí tổn thương mạch máu. Khi stent được đặt đúng vị trí, stent graft được cố định và mở ra theo đúng kích thước thực của nó. Tuỳ thuộc vào hình thái và đặc điểm tổn thương có thể đặt một hay nhiều stent.

Thời gian tiến hành thủ thuật thông thường khoảng 1 đến 2 tiếng. Sau can thiệp, người bệnh chỉ cần nằm viện ngắn ngày ở phòng bệnh thường, không cần phải nằm ở khoa hồi sức tích cực.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Can thiệp tim mạch: Đặt stent graft là một kỹ thuật tiên tiến có rất nhiều ưu điểm so với phẫu thuật mở thông thường như:

- Ít xâm lấn, an toàn hơn với người cao tuổi hoặc những người có bệnh nền.

- Người bệnh phục hồi nhanh chóng sau can thiệp.

- Tỷ lệ thành công cao.

- Mất máu ít hơn, hạn chế biến chứng sau điều trị.

- Giảm nguy cơ bị đột quỵ tim hoặc tử vong trong quá trình thực hiện thủ thuật so với phẫu thuật mở.

Kỹ thuật này rất khó thực hiện, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao và hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.

Kỹ thuật đặt stent graft đã giúp cho hàng vạn người bệnh thoát khỏi tình trạng phình động mạch chủ, bóc tách động mạch chủ, để trở lại với cuộc sống chất lượng hơn.

Thúy Nga