Rối loạn nhịp dễ đột tử
Bệnh nhân Nguyễn Xuân Th. (82 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng suy tim, nhiễm trùng ổ máy tạo nhịp, nhiễm khuẩn huyết, rung nhĩ đáp ứng thất chậm... Trước đó, bệnh nhân thường bị ngất nên đã được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn thông thường (có dây) và sức khỏe hồi phục dần, không còn những cơn ngất. Tuy nhiên, trước 1 tuần nhập viện vùng ngực trái, vị trí cấy máy tạo nhịp ở dưới da sưng nề đỏ, đau rát nhiều và chảy mủ, chảy dịch làm bệnh nhân rất khó chịu và mệt mỏi.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân cần phải được can thiệp lấy máy tạo nhịp ra và tiến hành khử trùng, vệ sinh sạch sẽ ổ máy. Nhưng rút bỏ máy tạo nhịp ra, bệnh nhân lại xuất hiện nhịp tim chậm, nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, sau khi loại bỏ máy tạo nhịp cũ sẽ phải cấy máy tạo nhịp mới đưa vào buồng tim ở vị trí khác so với vị trí ban đầu, tiên lượng nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Để cứu bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã mời trực tiếp GS.TS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Chủ tịch Hội Can thiệp tim mạch TPHCM tới để cùng êkíp của Bệnh viện đặt máy tạo nhịp không dây cho bệnh nhân. Sau khi can thiệp thành công, bệnh nhân đã tỉnh táo, tim hoạt động gần như bình thường.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, tim muốn co bóp được, phải có nút tạo nhịp tim gọi là nút xoang, phát ra xung kích thích tim co bóp.
Ở người bình thường, nút xoang phát nhịp 60 – 80 lần/phút, nhưng khi gắng sức (vận động, tập thể thao...) nút xoang sẽ đáp ứng phát ra nhịp nhanh hơn, tùy theo nhu cầu cơ thể. Khi bệnh nhân bị bệnh rối loạn nhịp chậm, tim sẽ đập chậm hơn bình thường, dưới 50 lần/phút, dưới 40 lần/phút, thậm chí dưới 30 lần/phút hoặc có khi ngưng tim kéo dài.
Tùy mức độ nhịp chậm mà bệnh nhân có thể có các biểu hiện khác nhau, trường hợp nhẹ thì mệt mỏi, không có khả năng gắng sức, choáng váng... trường hợp nặng thì bị ngất do thiếu máu não, có khi ngưng tim gây đột tử.
Tạo nhịp tim được 12 năm và tránh nhiễm trùng
Máy tạo nhịp không dây rất bé được đưa vào buồng tim. |
Theo các chuyên gia tim mạch, một khi nhịp chậm đã gây triệu chứng, người bệnh cần được nhập viện để cấy máy tạo nhịp tim giúp quả tim hoạt động với tần số bình thường đảm bảo cung cấp máu cho toàn cơ thể. Một hệ thống tạo nhịp nhân tạo gồm hai thành phần: Nguồn phát và dây dẫn truyền. Nguồn tạo nhịp là một thiết bị nhỏ chạy bằng pin. Nó sản sinh ra các xung điện học làm tim co bóp.
Thiết bị này được cấy ngay dưới da thông qua một được rạch da nhỏ, thường ở vùng dưới đòn trái. Nguồn tạo nhịp nối với tim nhờ những dây dẫn siêu nhỏ được cấy cùng lúc. Xung động sẽ theo hệ thống dẫn này đi đến tim và được cài đặt để phát xung động theo một khoảng thời gian nhất định, phù hợp với nhịp hoạt động của ổ phát nhịp tự nhiên của tim, kích thích quả tim co bóp.
Tuy nhiên, loại máy tạo nhịp có dây có thể gây nhiễm trùng. Với loại máy không dây sẽ tránh được nguy cơ nhiễm trùng tái phát ổ máy tạo nhịp dưới da. Máy có kích thước rất nhỏ, chỉ như viên thuốc con nhộng và trọng lượng chỉ có 2g nhẹ hơn tới 93% so với máy tạo nhịp tim thông thường (28g). Máy được đưa vào trong buồng thất phải bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi. Loại máy này cho phép tạo nhịp tim cho bệnh nhân trong thời gian có thể đến 12 năm.
Sự triển khai thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim không dây lần đầu tiên ở Quảng Ninh và lần thứ 2 tại miền Bắc (ca đầu tiên tại Viện Tim mạch Quốc gia) một lần nữa khẳng định việc làm chủ các kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp tim, phát huy hiệu quả các trang thiết bị hiện đại của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, mở ra hy vọng và cơ hội phục hồi hoàn toàn cho bệnh nhân mà không phải chuyển lên tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị y tế tuyến cuối tỉnh.