Khổ sở vì rối loạn sản chậu
Sau sinh con một thời gian, chị Nguyễn Thị P. (35 tuổi, Hà Nội) thấy xuất hiện khối phồng ở vùng âm hộ mỗi khi ngồi xổm, ho hoặc rặn đi cầu. Sau đó, chị thường hay són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật có trọng lượng nặng. Rồi dần dần hội chứng sa tạng chậu ngày càng nặng: Tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, bế tắc đường tiết niệu dưới, táo bón, gây khó chịu vùng chậu, nhiễm khuẩn niệu tái phát và đau khi giao hợp... Chị cũng đã chữa nhiều cách nhưng không khỏi. Sau hơn 10 năm chịu đựng, cuối cùng chị được các bác sĩ phẫu thuật đặt mảnh ghép, các hội chứng trên mới hết.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Khoa khám Phụ khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sàn chậu là tổng thể của ba hệ thống gồm sinh dục (tử cung, âm đạo), niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), tiêu hóa dưới (trực tràng và hậu môn). Sàn chậu được ví như một cái võng hình thành từ nhiều khối gân và cơ đan xen nhau, bám chắc vào phía trước là thành bụng và xương mu, hai bên là xương chậu hông, phía sau là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt. Sàn chậu có nhiệm vụ giữ cho các bộ phận nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy. Sàn chậu còn có vai trò đóng mở các lỗ dường tiểu, âm đạo hậu môn, giúp chủ động cho việc đi tiểu tiện và đại tiện, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh sản dễ dàng hơn.
Theo thống kê, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu.
Biểu hiện của sa tạng chậu. |
Ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ thấy xuất hiện khối phồng ở vùng âm hộ mỗi khi ngồi xổm, ho hoặc rặn đi cầu; Sau đó là biểu hiện són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật có trọng lượng nặng; Không nhịn tiểu được theo ý muốn; Đi tiểu đêm nhiều hơn 1 lần; Tăng hay giảm cảm giác mắc tiểu, tiểu lắt nhắt trên 8 lần/ngày; Tiểu khó hoặc phải rặn; Có cảm giác đi tiểu không hết.
Có cảm giác són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hoặc chạy nhảy; Không giữ được theo ý muốn khi mắc xì hơi hoặc mắc đi tiêu; Táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống để tiêu.
Sa tử cung; Sa bàng quang; Sa trực tràng, ruột.
Đau khi quan hệ tình dục; Giảm cảm giác ham muốn; Cảm giác cửa mình rộng.
Ngoài ra, người bệnh còn bị đau vùng thắt lưng chậu mạn tính, đau vùng bụng dưới hoặc vùng cửa mình.
Do tâm lý ngại ngùng và thấy không nguy hiểm nên nhiều chị em không điều trị, để tình trạng bệnh ngày càng nặng dẫn đến các biến chứng và mất đi cơ hội điều trị hiệu quả.
Nhiều phương pháp điều trị hiệu quả
Theo BS Nguyễn Thị Nga, Khoa khám Phụ khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng sa tạng chậu là do quá trình sinh nở, cơ hỗ trợ nâng đỡ cơ quan vùng chậu bị giãn ra hết mức khiến bị yếu đi. Vì vậy, tốt nhất chị em sau sinh từ 4 - 6 tuần nên đi kiểm tra tạng chậu để được tư vấn tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu từ đó có hướng dẫn phòng ngừa và điều trị hợp lý cho từng cá nhân.
Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. |
Hiện có rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh lý này. Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần tập bài tập sau sinh, bài tập cơ sàn chậu... là có thể ngăn ngừa và điều trị hiệu quả sa các tạng trong vùng chậu.
Biểu hiện của sa tạng chậu. |
Khi bệnh đã phát triển, tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ sa, có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau: Điều trị không phẫu thuật: Thực hiện các bài tập sàn chậu (KENGEL), Kích thích điện (electric stimulation) và vòng nâng sàn chậu.
Điều trị phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật kinh điển: Phương pháp Crossen với tỷ lệ tái phát bệnh là 30%. Phương pháp phẫu thuật bảo tồn: đặt mảnh ghép bắt đầu được sử dụng và phổ biến nhất là mảnh ghép âm đạo giúp tái lập cấu trúc nâng đỡ và cấu trúc vùng chậu, phòng ngừa xuất hiện các thành phần suy yếu mới, sửa chữa các thương tổn phối hợp. Phương pháp này được đánh giá có hiệu quả cao, ít tái phát và an toàn.