Làm đẹp

Đánh răng đúng cách giúp răng trắng sáng, tránh bệnh tật

  • Tác giả : ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn
Đa phần chúng ta có thói quen ngủ dậy đánh răng xong mới ăn sáng, hoặc đánh răng xong ăn uống luôn. Đây là thói quen sai lầm. Đánh răng đúng cách vừa làm sạch, vừa trắng răng đơn giản.

Chăm sóc răng miệng theo quy tắc 4 số 2

Liên đoàn Nha khoa thế giới khuyến cáo chăm sóc răng miệng theo quy tắc 4 số 2. Đó là đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, trong thời gian ít nhất 2 phút, 2 tiếng sau mới được ăn và một năm khám răng 2 lần.

Trên thực tế nhiều người có thói quen ngủ dậy đánh răng xong mới ăn sáng, hoặc đánh răng xong ăn uống luôn. Theo PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, đây là thói quen sai lầm.

Lý do, trong kem đánh răng có fluoride - một trong những yếu tố giúp bảo vệ răng chắc khỏe. Fluoride và các vi chất khác cần thời gian để phủ lên men răng. Vừa đánh răng xong đã ăn uống ngay, fluoride sẽ trôi đi, đào thải ra ngoài, không ngấm vào răng nên hiệu quả bảo vệ men răng không cao.

Hạn chế ăn trong khoảng 2 giờ sau khi đánh răng để fluoride có thời gian tiếp xúc tối đa với răng, lưu ý đánh răng đúng phương pháp là từ "đỏ đến trắng", tức là đánh theo chiều dọc từ lợi xuống đến răng.

Ước tính hiện chỉ khoảng 7% người dân đi khám sức khỏe răng miệng định kỳ, tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng rất cao. Thống kê cho thấy hơn 85% trẻ em bị sâu răng, trên 80% người trưởng thành bị viêm lợi, viêm quanh răng.

Bác sĩ chỉ cách đánh răng đúng để tránh bệnh tật và trắng sáng - Ảnh minh họa

Bác sĩ chỉ cách đánh răng đúng để tránh bệnh tật và trắng sáng - Ảnh minh họa

Nguyên nhân bị ố vàng răng

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc răng bị ố vàng, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

- Thực phẩm và đồ uống: Trong quá trình ăn uống, màu sắc của thực phẩm như socola, cà phê, nước trà, có thể làm cho lớp men bảo vệ ngoài răng trở nên sạm màu và mất đi màu trắng tự nhiên ban đầu.

- Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Chải răng quá mạnh hoặc không đúng cách hoặc sử dụng nước súc miệng có thành phần như chlorhexidine, cetylpyridinium cũng có thể gây vàng răng và bào mòn men răng.

- Bệnh lý răng miệng: Sâu răng, viêm nha chu, cao răng tích tụ là những bệnh lý răng miệng có thể gây ố vàng cho men răng.

- Yếu tố di truyền: Màu sắc của men răng cũng có thể được ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền từ gia đình.

- Tuổi tác: Men răng của người lớn tuổi thường trở nên mỏng và sậm màu hơn do quá trình mài mòn theo thời gian, tiếp xúc với màu sắc của thực phẩm và lộ ngà răng.

- Thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh như tetracycline, doxycycline hoặc các loại thuốc khác như thuốc kháng histamin, thuốc hạ huyết áp cũng có thể tạo ra tình trạng vàng răng khi sử dụng trong thời gian dài.

- Thói quen hút thuốc lá: Chất nicotin trong thuốc lá có thể làm cho răng bị ố vàng.

Cách tẩy trắng răng tại nhà hiệu quả không gây mòn men răng

Một số cách dùng baking soda để đánh bật các mảng bám trên răng, cải thiện tình trạng răng xỉn màu:

- Dùng baking soda khô: Lấy 1 ít bột baking soda bôi đều khắp phần thân răng. Sau khoảng 1 phút, súc miệng thật sạch với nước.

- Dùng baking soda kết hợp với muối: Trộn bột baking soda với muối hạt theo tỷ lệ 3:1, thêm một ít nước để hỗn hợp sền sệt rồi dùng bàn chải đánh răng chải đều các bề mặt của răng. Cuối cùng, súc miệng lại với nước sạch.

Lưu ý, chỉ nên sử dụng từ 1-2 lần mỗi tuần, áp dụng với người trên 18 tuổi.

Sử dụng than hoạt tính: Than hoạt tính có khả năng đánh bật mảng bám, vết ố vàng trên răng. Không những thế, nguyên liệu này còn có tính kháng khuẩn, giúp khoang miệng sạch sẽ, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển gây các bệnh liên quan đến răng miệng.

Nhờ vậy, than hoạt tính được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm kem đánh răng trên thị trường. Bạn có thể tìm mua những loại sản phẩm này hoặc mua viên than hoạt tính và đánh răng kèm với kem đánh răng hiện tại. Khi chải răng, nên thực hiện thao tác nhẹ nhàng, đặc biệt cẩn thận ở vùng quanh nướu răng bởi vị trí này tương đối nhạy cảm.

Sử dụng muối và chanh: Muối rất hữu ích trong việc loại bỏ mảng bám và vết ố vàng trên răng. Kết hợp cùng chanh, bạn sẽ có được hỗn hợp tẩy trắng răng hiệu quả hơn.

Cách thực hiện như sau: Thêm 1/2 muỗng muối cùng 1/2 muỗng nước cốt chanh. Dùng bàn chải đánh răng nhúng vào hỗn hợp, sau đó chải lên bề mặt răng trong khoảng 2-3 phút.

Sau đó súc miệng sạch với nước. Bạn chỉ nên áp dụng biện pháp này từ 1-2 lần mỗi tuần để tránh nguy cơ mòn men răng, khiến răng trở nên nhạy cảm, ê buốt và yếu hơn.

Sử dụng giấm táo: Giấm táo cũng có thể được sử dụng để loại bỏ các mảng bám trên bề mặt răng. Bạn có thể nhúng bàn chải đánh răng vào giấm táo, sau đó chải răng trong khoảng 2-3 phút. Cuối cùng, súc miệng thật kỹ với nước.

Lưu ý rằng, giấm táo có tính acid, do đó việc tiếp xúc ngắn hạn được cho là có thể loại bỏ một số mảng bám hay ố vàng trên răng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có thể làm mòn men răng nếu sử dụng quá nhiều hoặc quá thường xuyên. Chính vì vậy, chỉ nên áp dụng từ 1-2 lần mỗi tuần để làm sạch răng miệng. Các tình trạng răng nhạy cảm, sâu răng... nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.

Sử dụng dầu dừa: Không chỉ được ứng dụng trong làm đẹp da, dưỡng tóc, dầu dừa còn được sử dụng để loại bỏ các mảng bám trên bề mặt răng. Để thực hiện phương pháp này, bạn có thể nhúng bàn chải đánh răng vào dầu dừa, sau đó chải nhẹ nhàng khắc các mặt răng trong khoảng 2-3 phút rồi súc miệng lại với nước. Bạn có thể thực hiện biện pháp này từ 2-3 lần/tuần để giữ sạch khoang miệng.

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên Trường ĐH Y dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội)

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn