Dữ liệu y khoa

Đang cười nói, bệnh nhân Covid-19 đột ngột ngất lịm vì “thiếu oxy thầm lặng”

  • Tác giả : Thúy Nga
Thiếu oxy thầm lặng còn được gọi là sát thủ thầm lặng khi mức SpO2 đang ổn định bất ngờ giảm xuống khiến người bệnh rơi vào trạng thái lơ mơ, lịm đi rồi tử vong.

Không triệu chứng, nhiều người đột ngột ngất lịm và suy hô hấp

Ông N.V.H, 62 tuổi (Hà Nội) bị nhiễm Covid-19 không triệu chứng, không có bệnh nền, đã tiêm 1 mũi văcxin, bỗng nhiên lịm đi, không biết gì. Khi cấp cứu vào bệnh viện, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) của ông chỉ còn khoảng 60-70%, suy hô hấp. Bác sĩ chẩn đoán, ông bị thiếu hụt oxy thầm lặng. Ngay lập tức ông được hỗ trợ thở máy, điều trị tích cực kịp thời, đang theo dõi sát.

BS Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Nhiệt Đới TƯ cho biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị hơn 120 bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó vài trường hợp gặp tình trạng thiếu hụt oxy thầm lặng như bệnh nhân trên.

Bệnh gặp chủ yếu là người cao tuổi, kèm bệnh nền, chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm một mũi, nhiễm Covid-19 không có triệu chứng nên chủ quan không đo chỉ số SpO2.

benh-nhan-nang.jpg
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng tại bệnh viện Nhiệt Đới TƯ.

BS Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), phụ trách tư vấn hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, cũng gặp một vài trường hợp tương tự. Trong đó, một cụ ông 64 tuổi nhiễm Covid-19, ở quận Hoàn Kiếm, chưa tiêm văcxin.

Ban đầu, người nhà gọi điện xin tư vấn dùng thuốc do cụ ông có bệnh nền tiểu đường, chỉ số SpO2 khi ấy 97-98% tức ở mức bình thường, triệu chứng nhẹ. Thế nhưng, sau đó tình trạng thiếu oxy âm thầm tiến triển nhanh chóng. Bệnh nhân nằm ngủ rồi cứ vậy lịm đi. Sáng hôm sau, người nhà phát hiện bệnh nhân bất tỉnh, đưa vào viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

BS Hoàng Thanh Tuấn, cùng nhóm bác sĩ Hoàng, cho biết khoảng 30% người nhập viện ở tình trạng "thiếu oxy thầm lặng - happy hypoxia", vẫn cười nói nhưng đột ngột trở nặng. Đặc biệt, tình trạng này gia tăng gia tăng khi chủng Delta xuất hiện.

Nguyên nhân là do tình trạng "bão cytokine", virus không còn nhưng cytokine vẫn tiến triển, bệnh nhân không khó chịu, không ho, sốt nữa nên có khi chủ quan và tình trạng đột ngột trở nặng. “Những bệnh nhân SpO2 thấp khi xét nghiệm âm tính hoặc 2 vạch mờ chính là trường hợp “thiếu oxy thầm lặng" – BS Tuấn nói

BS Phạm Văn Phúc giải thích, thiếu hụt oxy thầm lặng là tình trạng thiếu oxy trong máu do viêm phổi liên quan đến Covid-19. Thông thường, bệnh nhân bị tức ngực, đau khi thở và các vấn đề về hô hấp khác. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm phổi do Covid-19, ban đầu, bệnh nhân không cảm thấy khó thở mặc dù nồng độ oxy trong máu giảm thấp ở mức đáng báo động và bị viêm phổi thể vừa hoặc nặng. SpO2 của người bình thường là 94-100%.

Ở bệnh nhân Covid-19 bị viêm phổi, mức oxy chỉ còn 60-70%, thậm chí 50%. Nếu không được phát hiện kịp thời, người bệnh dễ rơi vào trạng thái lơ mơ, lịm đi rồi tử vong. Thế giới gọi tình trạng này là "sát thủ thầm lặng", dẫn đến nhiều cái chết đột ngột.

"Tình trạng thiếu oxy âm thầm tiến triển nhanh chóng, dẫn đến suy hô hấp. Điều này lý giải cái chết đột ngột ở bệnh nhân COVID-19 từng không thấy khó thở".

Nên theo dõi SpO2 trong hai tuần

BS Hoàng cảnh báo, thiếu oxy thầm lặng là một tình huống rất nguy hiểm ở người bệnh Covid -19. Vì vậy, thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người F0. Nhiều người mua thuốc, mua nhiều loại, nhưng khi hỏi có thiết bị đo SpO2 không thì lại không có hoặc chưa để ý đến. Các F0 có bệnh nền (tim mạch, gout, tăng huyết áp...), chưa tiêm văcxin hoặc chưa đủ mũi càng phải chú ý hơn đến tình huống này.

benh-nhan-nang-1.jpeg
Đang cười nói, bệnh nhân COVID-19 đột ngột ngất lịm vì “thiếu oxy thầm lặng”

Ngoài ra, cần chú ý đến thời gian ngày thứ 7 - 10 kể từ khi phát hiện bệnh, đây cũng là thời điểm tình trạng thiếu oxy thầm lặng có thể xuất hiện. Nếu SpO2 dưới 95% đã là chỉ dấu nguy hiểm, dưới 90% thì cận kề nguy hiểm. Từ thời điểm này, người bệnh cần được hỗ trợ thở oxy sớm và chuyển nhanh nhất đến cơ sở điều trị.

Trường hợp không có máy SpO2 có thể đếm nhịp thở của bệnh nhân F0 bằng phương pháp thủ công. Thứ nhất là đếm sự di động khi đặt tay lên thành bụng của bệnh nhân. Thứ hai, có thể đặt ngón tay 2 và 3 lên và đếm mạch trong 1 phút. Nếu nhịp thở cao >24 lần/phút, hoặc nếu mạch trên 100 lần/phút là dấu hiệu thiếu oxy.

Khi đo SpO2 tại nhà, bác sĩ khuyến cáo có thể đo cho người bình thường trước khi đo cho người F0 để theo dõi. Đặc biệt khi thiếu hụt oxy hãy để bệnh nhân nằm sấp. Nằm sấp giúp phân bổ máu cho những vùng phía sau và điều này quan trọng trong điều trị Covid -19.

Ngoài ra, những vùng phổi phía sau lưng vốn ít được thông khí hơn, khi nằm sấp những vùng phế nang sẽ được phân bổ oxy, giảm tình trạng nơi nhiều oxy mà ít máu đến, nơi ít oxy mà máu lại đến nhiều (cân bằng thông khí - tưới máu.

Các bác sĩ cảnh báo những người mắc Covid-19 nên theo dõi SpO2 trong hai tuần, không nên chủ quan. Sở Y tế Hà Nội cũng hướng dẫn một trong những dấu hiệu trở nặng với F0 tại nhà là chỉ số SpO2 dưới 95%. Khi phát hiện bất thường, nên đo lại lần hai sau 30 giây đến một phút. Quan trọng nhất là phát hiện tình trạng thiếu oxy thầm lặng và phải cảnh giác, liên lạc ngay với nhân viên y tế.

Thúy Nga