KINH TẾ

Đắk Lắk: Xây dựng phát triển bền vững ngành Hồ tiêu

  • Tác giả : Hoàng Hải - Phúc Nguyên
Tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vừa ký kết Biên bản hợp tác “Xây dựng chuỗi cung ứng Hồ tiêu và các cây gia vị gồm sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ".

Nhằm phát triển bền vững ngành Hồ tiêu của địa phương, UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vừa qua đã cùng ký kết Biên bản hợp tác “Xây dựng chuỗi cung ứng Hồ tiêu và các cây gia vị gồm sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ” với mục tiêu hướng tới tăng cường liên kết chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - tiêu thụ Hồ tiêu.

Theo đó, hai đơn vị sẽ tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ Hồ tiêu và gia vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025 và điều chỉnh, bổ sung để triển khai thực hiện đến năm 2030.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ký kết hợp tác triển khai xây dựng chuỗi cung ứng Hồ tiêu và các cây gia vị cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà. Ảnh: Kim Bảo.Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ký kết hợp tác triển khai xây dựng chuỗi cung ứng Hồ tiêu và các cây gia vị cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà. Ảnh: Kim Bảo.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững Hồ tiêu và gia vị theo chuỗi giá trị tại Đắk Lắk. Thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất Hồ tiêu và gia vị theo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ thông qua cung cấp các giải pháp sản xuất bao gồm kỹ thuật canh tác, kỹ thuật quản lý, xử lý dịch bệnh… Hướng dẫn xây dựng các sản phẩm liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và từng bước hình thành thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Hai đơn vị sẽ tổ chức kết nối theo chuỗi giữa khâu sản xuất Hồ tiêu và gia vị tại Đắk Lắk với khâu tiêu thụ trong và ngoài nước theo hướng: Mở rộng các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và người nông dân trồng Hồ tiêu. Xây dựng trung tâm nghiên cứu giống Hồ tiêu và cây gia vị. Tư vấn phát triển xuất khẩu Hồ tiêu và gia vị, đáp ứng các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường nước ngoài. Thúc đẩy các hoạt động thương mại lành mạnh (đặc biệt là các hợp đồng bao tiêu cho khu vực sản xuất), xuất khẩu chính ngạch và an toàn về thanh toán. Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống logistics phục vụ thương mại Hồ tiêu và gia vị Đắk Lắk.

UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trực thuộc tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ Hồ tiêu và gia vị theo các nội dung hợp tác. Phối hợp cùng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi thông tin để người dân, doanh nghiệp nông nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác biết và tham gia các chuỗi liên kết.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững Hồ tiêu và gia vị theo chuỗi giá trị tại Đắk Lắk. Ảnh: VPA.Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững Hồ tiêu và gia vị theo chuỗi giá trị tại Đắk Lắk. Ảnh: VPA.

Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, để đảm bảo giá trị ngành hàng hồ tiêu và phát triển bền vững, luôn luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất. Phải đặt nông dân ở vị trí trung tâm và nông dân cần nâng cao kiến thức canh tác hồ tiêu. Ngoài ra, cần sự hợp tác của doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu, cụ thể là cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hoặc liên kết với hợp tác xã, nông dân.

Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk nhận xét, việc ký kết Biên bản hợp tác với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển bền vững cây hồ tiêu và các cây gia vị khác tại tỉnh Đắk Lắk. Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - tiêu thụ hồ tiêu; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu thông qua mở rộng các chuỗi liên kết. Tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức ngành hàng tại nước nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu để tìm kiếm khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững và hiệu quả.

"Thời gian tới, với vai trò của mình, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân trồng hồ tiêu. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành công thương, tích cực triển khai Đề án phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2023 và định hướng đến năm 2035 và Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn", ông Khôi cho biết.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cũng thông tin, hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang triển khai xây dựng đề án “Sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh thành” với mục tiêu đưa các sản phẩm đặc trưng của mỗi tỉnh thành lên sàn thương mại điện tử. Khi được chính thức vận hành sàn thương mại điện tử hợp nhất sẽ là sân chơi chung cho các địa phương cùng nhau xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng đặc trưng, đặc biệt là mặt hàng nông sản trên cùng một nền tảng./.

Hoàng Hải - Phúc Nguyên