Dữ liệu y khoa

Đái tháo đường coi chừng suy thận

  • Tác giả : Hương Giang
(khoahocdoisong.vn) - Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh chuyển hoá đặc trưng bởi sự tăng glucose trong máu. Bệnh tiến triển mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan như não, mắt, thần kinh, tim mạch và thận. Trong số các biến chứng do bệnh ĐTĐ gây nên, biến chứng thận rất thường gặp.

 Hàng loạt bệnh mạn tính đi kèm theo…đái tháo đường

Có khoảng 20 - 40% người bệnh ĐTĐ bị biến chứng thận. Đây là một dạng biến chứng nguy hiểm vì diễn tiến âm thầm, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối khiến người bệnh phải điều trị thay thế thận (lọc máu chu kỳ, ghép thận…) với chi phí điều trị cao. Ngoài ra, người bệnh ĐTĐ kèm bệnh thận mạn có nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 2,5 lần và nguy cơ tử vong tăng gấp 4 lần so với người bệnh ĐTĐ không kèm bệnh thận mạn.

BS.CKII Trần Thị Thùy Dung – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến biến chứng thận ở người bệnh ĐTĐ là do lượng đường trong máu cao kéo dài gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận, từ đó dẫn đến tình trạng xuất hiện đạm bất thường trong nước tiểu, chức năng lọc của thận suy giảm, tiến triển nặng dần và gây ra suy thận giai đoạn cuối. Nguy hiểm hơn, hầu hết những triệu chứng bệnh thận do ĐTĐ thường rất âm thầm trong giai đoạn đầu. Đa số người bệnh, thường phát hiện ở giai đoạn muộn và gây khó khăn cho việc điều trị”.

BS.CKII Trần Thị Thùy Dung đang khám cho người bệnh.

BS.CKII Trần Thị Thùy Dung đang khám cho người bệnh.

Ông Dương Thanh B. (58 tuổi, ngụ tại TPHCM) mắc ĐTĐ đã lâu nhưng chỉ thích điều trị theo internet. Thời gian gần đây, ông cảm thấy mệt mỏi nhiều, sụt cân nhanh, phù 2 chân ngày càng tăng dần, khó thở và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đường huyết, huyết áp tăng cao kèm suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo cấp cứu. Mặc dù được điều trị tích cực, qua được cơn nguy kịch nhưng tình trạng suy thận của chú B. đã ở giai đoạn cuối, cần phải điều trị lọc máu định kỳ, sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết, huyết áp và các bệnh lý kèm theo khác.

Phát hiện sớm chi phí thấp, an toàn

BV ĐH Y dược TPHCM gần đây tiếp nhận điều trị cho bà Đ.T.T., 62 tuổi, ngụ tại Bình Dương. Bà được chẩn đoán mắc ĐTĐ týp 2 từ nhiều năm trước và điều trị ổn định một thời gian dài. Mấy năm nay, bà T. thấy khỏe nên không đi tái khám nữa mà tự mua thuốc theo toa cũ uống. Gần đây bà có cảm giác mệt mỏi trong người, phù 2 chân, huyết áp thường xuyên tăng cao. Đến BV khám, các bác sĩ chẩn đoán bà bị bệnh thận mạn giai đoạn 4 do biến chứng bệnh ĐTĐ. 

Theo BS.CKII Thùy Dung, biến chứng thận do ĐTĐ có thể được phát hiện sớm thông qua việc thăm khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát được chỉ định bởi các bác sĩ như: Đánh giá albumin trong nước tiểu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, ure máu, creatinine máu, siêu âm bụng… Việc tầm soát phát hiện sớm giúp cho người bệnh ĐTĐ được điều trị một cách toàn diện, ngăn ngừa biến chứng thận xuất hiện hoặc diễn tiến nhanh. Trong trường hợp không được chẩn đoán và điều trị phòng ngừa sớm, người bệnh thường nhập viện ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn trong việc điều trị, gia tăng chi phí và tỉ lệ phục hồi thấp.  

Để phòng ngừa biến chứng bệnh thận do ĐTĐ, các chuyên gia khuyến cáo, việc kiểm soát đường huyết và huyết áp là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra người bệnh cần uống đủ nước, tuân thủ điều trị của bác sĩ. Việc kiểm tra định kỳ chức năng thận và nước tiểu sẽ góp phần phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời. Ngoài ra, người bệnh cần tránh tự ý sử dụng các thuốc có khả năng làm tổn thương thận và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thêm các thuốc khác.

TS.BS Trần Quang Nam – Trưởng Khoa Nội tổng hợp BV ĐH Y dược TPHCM chia sẻ: “Bệnh ĐTĐ khi đã được chẩn đoán thì cần được điều trị sớm, theo dõi và duy trì suốt đời. Việc tuân thủ điều trị là rất quan trọng, giúp giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do bệnh ĐTĐ gây ra”.

Hương Giang