Tại phiên chất vấn sáng 16/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu.
Cụ thể, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho biết, nông sản hiện nay vẫn còn tình trạng được mùa thì mất giá, khiến người nông dân không an tâm sản xuất. Giá thanh long ruột đỏ có lúc chỉ là 2.000 đồng/kg vì lý do không xuất khẩu được.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng trăn trở khi đến hẹn lại lên, nông sản nước ta lại bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, hoạt động giải cứu lại diễn ra. Lâu nay vẫn đề cập giải pháp căn cơ là phải thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch tuy nhiên thực tế chưa được giải quyết thấu đáo.
Trách nhiệm của Bộ trưởng của Bộ Công Thương đến đâu trước sự chậm trễ này. Khi nào vấn đề này được giải quyết?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực tế những sản phẩm thanh long sản xuất ở vùng đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường là rất tốt. Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi không muốn làm theo tiêu chuẩn đó hoặc không làm được nên khó khăn khi xuất khẩu. Nhiều lần Bộ đã khuyến nghị các vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.
"Nếu cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động", Bộ trưởng nhấn mạnh. Đề nghị ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.
Cũng theo Bộ trưởng Diên, cách đây một tuần, Bộ Công Thương đã trình đề án xuất khẩu qua biên giới theo tiêu chuẩn chính ngạch. Nếu được thông qua, Bộ sẽ làm việc với các địa phương. Nếu các địa phương không thực hiện được thì cần xem xét trách nhiệm không chỉ ở phía bộ ngành "phía trên".
"Dứt khoát phải sản xuất theo tiêu chuẩn, tín hiệu của thị trường. Bây giờ hàng hóa vào Trung Quốc không còn dễ dàng như trước. Chỉ còn cách là chúng ta thay đổi, chứ không thể đợi "thiên hạ" thay đổi theo mình được". Nếu chúng ta không thay đổi thì thua ngay trên sân nhà, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Còn vấn đề trước mắt, ngành Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn đang nỗ lực họp bàn, trao đổi với phía bạn. Tuy nhiên, Trung Quốc thực hiện chiến lược zero Covid, nên cũng khó khăn trong lưu thông hàng hoá.
Bộ trưởng Diên cũng cho rằng, việc tiêu thụ nông sản quan tâm rất nhiều đến xuất khẩu nhưng lại "bỏ quên" thị trường nội địa với 100 triệu dân. Nhiều nơi người dân không dễ gì mua được hải sản, điều đó cho thấy nhiều người sản xuất chưa quan tâm đến thị trường trong nước.
Do vậy, theo ông Diên, việc sản xuất cần đẩy mạnh đáp ứng nhu cầu trong nước trước chiến lược "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Việc tiếp cận, đáp ứng được cả nước ngoài thì sẽ tranh thủ để xuất khẩu. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định, nhưng "hàng không đi được là do chúng ta".